Bản đồ số ca mắc mới theo ngày tính bình quân trên 100.000 người trong tuần qua - Ảnh: NEW YORK TIMES
Theo báo Guardian, ba nghiên cứu trên nằm trong số những nghiên cứu đầu tiên tại Mỹ xem xét về tác động của liều tăng cường đối với biến thể Omicron dễ lây lan, hiện đang chiếm 99% ca bệnh mới tại nước này.
Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy liều tăng cường giúp bảo vệ tốt chống lại việc mắc bệnh và bệnh có triệu chứng. Người từ 50 tuổi trở lên được hưởng lợi nhiều nhất từ liều tăng cường bằng vắc xin của Hãng Pfizer hoặc Moderna.
"Sự bảo vệ chống mắc bệnh và nhập viện đối với biến thể Omicron là cao nhất với những người đã tiêm tăng cường", tiến sĩ Rochelle Walensky - giám đốc CDC - cho biết.
Ngoài ra, như đã được chứng minh tại những nước khác, các nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy liều tăng cường bảo vệ tốt trước biến thể Delta hơn biến thể Omicron - vốn có nhiều đột biến trên gai protein hơn, giúp virus có khả năng lẩn tránh miễn dịch có được nhờ tiêm chủng hoặc từng mắc COVID-19.
Toàn cầu ghi nhận hơn 3 triệu ca bệnh/ngày
Tuần này, số ca COVID-19 trung bình theo ngày đã vượt kỷ lục 3 triệu ca trên toàn cầu, trong khi số ca tử vong tăng tuần thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, có các tín hiệu cho thấy đà tăng này đang chậm lại.
Theo Hãng tin AFP, số ca COVID-19 trung bình theo ngày đã vượt mốc 3,1 triệu ca trong tuần này, tính tới ngày 20-1, tăng 11% so với 7 ngày trước đó.
Các điểm nóng dịch COVID-19 trong tuần qua được ghi nhận tại châu Á, đặc biệt là tại Ấn Độ - nơi có số ca mắc mới theo ngày tăng 57%. Ngoài ra, khu vực châu Mỹ Latin - Caribê cũng tăng 36% và Trung Đông tăng 32%.
Tuy nhiên, số ca bệnh đã giảm ở một số nơi biến thể Omicron xuất hiện đầu tiên, trong đó châu Phi giảm 10% số ca bệnh theo ngày, Mỹ và Canada là 6% so với tuần trước đó. Châu Đại Dương cũng ghi nhận số ca bệnh giảm gần 1/3.
Mặc dù số ca mắc mới theo ngày tăng 9% tại châu Âu, song tốc độ lây lan này vẫn chậm hơn so với những tuần trước đó.
Tiến sĩ Rochelle Walensky - giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ - Ảnh: AP
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước có số ca mắc mới nhiều nhất, với trung bình 751.900 ca/ngày, giảm 6% so với tuần trước đó. Kế đến là Pháp với 337.200 ca/ngày, tăng 15% và Ấn Độ với 271.500 ca/ngày, tăng 57%.
Tính bình quân đầu người, Đan Mạch là nước có số ca mắc mới lớn nhất trong tuần này với 3.826 ca trên 100.000 dân. Tiếp theo là Israel (3.589 ca), Pháp (3.496 ca), Bồ Đào Nha (2.796 ca) và Slovenia (2.733 ca).
Trên toàn cầu, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã tăng trở lại, tăng 9% so với tuần trước đó, lên 7.526 ca/ngày. Mỹ ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất với 1.969 ca/ngày, kế đến là Nga (698 ca) và Ấn Độ (380 ca).
ECDC: Omicron đã trở thành biến thể thống trị châu Âu
Ngày 21-1, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết Omicron đã trở thành biến thể chiếm ưu thế tại Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA).
EEA bao gồm Iceland, Liechtenstein và Na Uy.
Theo ECDC, Omicron hiện là biến thể "chiếm ưu thế ở nhiều nước EU/EEA", với tỉ lệ phổ biến chung là 78%.
Tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đến tháng 3, Omicron có thể lây nhiễm cho một nửa dân số trong khu vực châu Âu.
TTO - Nghiên cứu mới cho biết tiêm vắc xin COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội mang thai của các cặp vợ chồng, nhưng việc bị mắc COVID-19 có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới.