Thông tin Hồng Quang Minh (Minh Béo) được trao huy chương bạc với vai diễn Khánh trong vở kịch Thi thể thứ 4 tại Liên hoan kịch nói toàn quốc khu vực phía Nam đang khiến một số dư luận không đồng tình, thậm chí phản ứng gay gắt.
Điều khiến dư luận không đồng tình là vì trước đó, vào năm 2016, Minh Béo từng dính án ấu dâm và bị tuyên phạt 18 tháng tù tại Mỹ khi du lịch tại nước này.
Vậy việc trao huy chương cho Minh Béo có đúng luật, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc một công dân Việt Nam khi phạm tội và bị kết án tại nước ngoài về Việt Nam có bị án tích hay không?
Việc trao huy chương cho Minh Béo tại một liên hoan kịch nói tuy không trái luật nhưng lại khiến dư luận không đồng tình vì Minh Béo từng phạm tội ở nước ngoài, đặc biệt là với trẻ em. Ảnh: TL
Phạm tội ở nước ngoài bị đưa vào lý lịch tư pháp khi về Việt Nam
TS Lê Huỳnh Tấn Duy (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng: Khoản 1 Điều 5 Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) 2009, trường hợp công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam, tòa án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại là một trong những đối tượng quản lý LLTP.
Quy định này gián tiếp cho thấy trường hợp công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài và đã chấp hành xong bản án, khi trở về Việt Nam, những thông tin liên quan đến cá nhân người bị kết án, tội danh, hình phạt, tình trạng chấp hành án… phải được đưa vào LLTP của người đó. Điều 17 Luật LLTP 2009 quy định VKSND Tối cao là cơ quan có nhiệm vụ gửi cho Trung tâm LLTP quốc gia bản sao trích lục bản án, trích lục án tích của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được các văn bản này.
Tuy nhiên, theo TS Duy, việc ghi nhận những thông tin trên vào LLTP của một người có đồng nghĩa với việc người đó bị xem là có án tích theo pháp luật hình sự Việt Nam hay không thì chưa có quy định trực tiếp, rõ ràng. Các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và một số quốc gia cũng không điều chỉnh vấn đề này (ở đây cần phân biệt với các hiệp định về dẫn độ tội phạm để thi hành án và các hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù). Do đó, khi chưa có quy định điều chỉnh thì không được phép mặc nhiên xác định án tích của một người theo pháp luật nước ngoài cũng là án tích theo pháp luật Việt Nam.
Đồng tình, luật sư Tạ Minh Trình (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm LLTP của công dân Việt Nam chỉ ghi nhận án tích đối với trường hợp công dân bị kết án bằng bản án hình sự có hiệu lực của tòa án Việt Nam hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.
Hiện nay, giữa Việt Nam và Mỹ vẫn chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về lĩnh vực này. Do đó, đối với trường hợp của Minh Béo chưa có cơ sở để ghi nhận án tích vào LLTP.
Đối xử với người lao động phải dựa trên truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam Theo TS Phan Anh Tuấn, ở nước ta hiện nay, việc quy định hạn chế quyền lao động, làm việc của nghệ sĩ phải trên nền tảng pháp luật. Việc tham khảo cách xử lý của các quốc gia khác đối với trường hợp tương tự là đáng hoan nghênh, tuy nhiên việc đối xử với người lao động phải dựa trên cơ sở pháp luật và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam. |
Việc trao giải không trái pháp luật
TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) thì cho rằng nghệ sĩ Minh Béo phạm tội tại Mỹ, phải chấp hành xong hình phạt tại Mỹ năm 2016 có kèm theo hậu quả pháp lý khác (bị ghi tên vào danh sách tội phạm tình dục suốt đời tại California (Mỹ) và hậu quả này chỉ có giá trị pháp lý giới hạn về không gian là bang California).
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nghệ sĩ Minh Béo không có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, về pháp lý hình sự, nghệ sĩ Minh Béo không chịu ảnh hưởng bất kỳ hạn chế nào về hậu quả pháp lý do việc phạm tội tại Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là không có đặt ra vấn đề án tích và xóa án tích theo luật hình sự Việt Nam liên quan đến hành vi phạm tội ở Mỹ.
Về việc trao giải bạc cho Minh Béo, theo TS Tuấn, cần phân biệt đây là giải thưởng về chuyên môn hay danh hiệu nhà nước. Với các thông tin trả lời của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì đây chỉ là giải thưởng về chuyên môn cho vai diễn.
Theo TS Tuấn, khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Mọi người đều có quyền có việc làm và việc cấm một người không được hành nghề hoặc làm công việc nhất định nào đó phải do tòa án quyết định trong bản án có hiệu lực pháp luật hoặc do luật quy định.
Vì vậy, Minh Béo tham gia hoạt động nghệ thuật và tham gia các giải thi là một hoạt động bình thường, là quyền của bất cứ người lao động nào khác như thợ cơ khí, thợ may, chuyên viên tin học... Và mỗi ngành nghề đều có hình thức thi đua trong lĩnh vực chuyên môn của ngành nghề đó. Do đó, theo TS Tuấn, việc trao giải bạc cho Minh Béo không có gì trái pháp luật.
Luật sư Trình cũng nhận định nhiều người cho rằng Minh Béo không xứng đáng nhận được nhận huy chương hoặc vinh danh ở bất kỳ sự kiện nghệ thuật nào nhưng từ góc độ pháp luật hiện nay, không có quy định nào cấm người đã từng phạm tội được tham gia và nhận giải thưởng từ các cuộc thi hoặc hoạt động xã hội, văn hóa nghệ thuật. Việc xem xét, đánh giá nghệ sĩ Minh Béo có đủ điều kiện tham gia, nhận giải hay không còn căn cứ vào tiêu chí do ban tổ chức của cuộc thi, hoạt động đó quy định.
Theo TS Tuấn, việc phong danh hiệu đối với nghệ sĩ thì mới cần các điều kiện về đạo đức, nhân thân, ảnh hưởng dư luận... của người được phong danh hiệu. Còn việc thi chuyên môn thì không cần các yếu tố này. Thực tế, một số nước trên thế giới rất khắt khe với nghệ sĩ phạm tội. Điều này tùy thuộc vào pháp luật, văn hóa, quản lý xã hội của từng nước.•
Soi chiếu với quy tắc ứng xử của người làm nghệ thuật Vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó tại khoản 2, 3 Điều 4 quy định quy tắc ứng xử chung của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải “gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam”. Theo quy tắc trên thì dù hành vi của nghệ sĩ Minh Béo diễn ra tại Mỹ nhưng xét hành vi này cũng không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam cũng như những chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của Việt Nam, làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, bộ quy tắc này chỉ mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 13-12-2021. Do đó, cũng không thể điều chỉnh cho một hành vi đã xảy ra và bị xử lý trước đó. Luật sư TẠ MINH TRÌNH (Đoàn Luật sư TP.HCM) |