Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sau khi đề án phát triển trường THPT chuyên được phê duyệt, cả nước có 77 trường THPT chuyên. Mỗi tỉnh thành có từ 1 - 2 trường. Quy mô học sinh chuyên cũng tăng, chiếm khoảng 2,7% tổng số học sinh THPT trên toàn quốc.
"Nhiều trường chuyên là nòng cốt trong việc ứng dụng các phương pháp, mô hình giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng đổi mới: dạy học tích hợp liên môn, giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học" - ông Nguyễn Vinh Hiển, cựu thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận xét.
Nhiều trường chuyên chỉ là luyện thi
Theo ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho dù chất lượng giáo dục trường chuyên cải thiện rõ rệt nhưng trường chuyên vẫn có những hạn chế.
"Chưa tăng cường cho học sinh chuyên có các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Các chương trình tiên tiến của nước ngoài đưa vào trường chuyên, việc tổ chức dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh trong trường chuyên còn hạn chế" - ông Độ nêu trong báo cáo.
Theo lãnh đạo các tỉnh chia sẻ tại hội nghị, nhiều nơi chưa đạt được quy mô học sinh chuyên do chính sách phát hiện, thu hút học sinh năng khiếu chưa tương xứng.
Nhiều trường chuyên còn chưa đạt chuẩn quốc gia, thiếu thiết bị dạy học hiện đại hoặc đã được đầu tư thiết bị hiện đại nhưng chưa sử dụng hiệu quả.
Nhiều trường chuyên thiếu giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, hạn chế về kỹ năng dạy thực hành, thiếu giáo viên dạy được các môn khoa học bằng tiếng Anh như yêu cầu của đề án đặt ra.
Một trong những bất cập phổ biến được nhắc đến tại hội nghị là nhận thức cho rằng trường chuyên là nơi "bồi dưỡng học sinh giỏi".
Nhận thức này kéo theo định hướng phát triển trường chuyên của nhiều địa phương chỉ là "luyện thi". Tình trạng học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi học lệch, tập trung ôn luyện để đi thi.
Có những học sinh đi thi không có giải, không có huy chương rơi vào khủng hoảng khi bị thiếu hụt nền tảng kiến thức cơ bản và những kỹ năng cần thiết lẽ ra phải được giáo dục kỹ ở bậc phổ thông...
Tình trạng này cũng là nguyên nhân khiến những năm gần đây, trường chuyên ở nhiều thành phố lớn không còn có sức hút với học sinh so với các môi trường giáo dục có quan điểm cởi mở, hiện đại hơn.
Việc Bộ GD-ĐT duy trì chế độ tuyển thẳng đại học với học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải trong hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia cũng không còn sức hấp dẫn nhiều trong bối cảnh đại học tự chủ, có nhiều phương thức để thu hút người học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp. Nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên.
"Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, huy chương... mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển" - ông Sơn nói.
Trường chuyên sẽ theo hướng nào?
Câu hỏi này là điều nhiều người mong đợi từ sự kiện một cựu học sinh chuyên công bố quan điểm "nên giải tán trường chuyên" gây xôn xao.
Từ đó, trên nhiều diễn đàn, những bức bối, bất cập, thiếu hụt trong mô hình trường chuyên được hé mở. Nhưng tại hội nghị việc này chưa được bàn thấu đáo.
Phần lớn ý kiến đề đạt giải pháp khắc phục khó khăn về nguồn tuyển và cơ chế đãi ngộ cho giáo viên, việc đầu tư cơ sở vật chất chưa đúng mức...
Tuy nhiên có nhiều vấn đề cần làm rõ là phân biệt giữa mô hình nuôi dưỡng học sinh năng khiếu, nhân tài và mô hình trường chất lượng cao; thay đổi cách tuyển sinh học sinh tài năng, chấp nhận những đột phá như cho phép học sinh tài năng học vượt tuổi ở mức nào; xây dựng môi trường giáo dục cho học sinh chuyên phải thay đổi ra sao để phù hợp với "nuôi dưỡng nhân tài"...
Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022 - 2032 nhằm tiếp tục đổi mới xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.
Dự kiến giai đoạn mới hệ thống trường THPT chuyên vẫn duy trì hai trường chuyên ở các thành phố lớn và một trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó là hệ thống trường chất lượng cao.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ triển khai nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động của trường chuyên qua nhiều thời kỳ để thấy rõ sự đóng góp, cống hiến của trường chuyên với xã hội và nghiên cứu mô hình các nước để xây dựng mô hình trường chuyên phù hợp với Việt Nam.
Sẽ ban hành quy chế hoạt động trường THPT mới
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, phát triển con người làm đầu.
Vì thế đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ. Đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.
Ông Sơn cho biết giữa năm 2022 sẽ ban hành quy chế hoạt động trường THPT mới, trong đó sẽ có nhiều điều chỉnh.
TP.HCM đề xuất đưa AI, blockchain vào dạy
Tại hội nghị, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất một số nội dung liên quan trực tiếp đến chương trình, điều kiện đào tạo học sinh năng khiếu.
Cụ thể là đưa vào chương trình môn học trí tuệ nhân tạo (AI), coding, blockchain theo hướng 50% kinh phí ngân sách, 50% xã hội hóa; thí điểm triển khai mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh tại trường chuyên.
Theo bạn, trường chuyên có còn sức hút và việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh nên phát triển theo hướng như thế nào? Mời bạn gửi ý kiến về giaoduc@tuoitre.com.vn.
TTO - 'Việc tuyển sinh lâu nay hầu như chỉ dựa vào điểm số. Chưa thấy một trường chuyên hay một trường đại học nào tuyển thẳng một học sinh vì thành tích thể thao hay văn nghệ nổi trội...'.
Xem thêm: mth.66182649022102202-tuh-cus-noc-oc-neyuhc-gnourt/nv.ertiout