Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM đang khám bệnh rụng tóc cho một bệnh nhân bị hậu COVID-19 - Ảnh: T.ANH
Stress trước đám cưới vì rụng tóc
Gần tới ngày cưới, chị N.T.T.T., 30 tuổi, ngụ ở Q.12, được bạn trai đưa đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám vì "tóc bị rụng nhiều kinh khủng". Mỗi lần gội, chải đầu là tóc rụng cả nắm. Tóc rụng nhiều đến mức nhìn thấy cả những khoảng trống trên da đầu.
Từ một người có mái tóc rất dày, nay tóc chị T. đã thành mỏng lét dù chị không dám gội đầu nhiều. Với "tốc độ" rụng tóc như vậy, chị sợ đến ngày không còn tóc nữa...
Theo các bác sĩ, chị T. bị một bệnh lý sau nhiễm COVID-19. Bác sĩ khuyên chị T. nên cắt tóc ngắn cho đỡ rụng.
Không chỉ chị T., nhiều chị em khác cũng đau khổ tìm đến bác sĩ vì "tóc rụng đầy phòng, trong nhà nhìn đâu cũng thấy tóc. Em sợ tóc rụng nhiều quá sẽ bị hói…".
BS.CK2 Trần Kim Phượng - trưởng khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết gần đây nhiều người bệnh bị rụng tóc sau khi mắc COVID-19 đã lo lắng đến bệnh viện khám và điều trị. Những người này không biết vì sao bị rụng tóc, chỉ khi bác sĩ hỏi, họ mới kể đã bị nhiễm COVID-19 từ 2 - 3 tháng trước đó.
Theo bác sĩ Kim Phượng, bệnh nhân nhiễm COVID-19 càng nặng sẽ bị rụng tóc càng sớm và càng nhiều. Họ bị rụng tóc do nhiều nguyên nhân như sốt cao, mệt mỏi, liên quan đến phản ứng miễn dịch, stress, dinh dưỡng kém, vệ sinh da đầu kém, hoặc sử dụng một số thuốc điều trị COVID-19 gây rụng tóc như thuốc chống đông enoxaparin…
Khi tiếp nhận những người bệnh này, việc đầu tiên các bác sĩ làm là tìm và loại bỏ nguyên nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh hiểu vấn đề và tuân thủ điều trị cũng như ổn định tâm lý, giảm căng thẳng lo lắng vì đây cũng là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc khi nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc, tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi tập luyện đều đặn, hạn chế tác động lực mạnh lên tóc, hướng dẫn cách chăm sóc tóc… Tóc thường sẽ mọc lại sau 5-6 tháng nếu được điều trị đúng.
Bác sĩ khám và tư vấn cho bệnh nhân hậu COVID-19 - Ảnh: XUÂN MAI
Nỗi khổ mang tên mụn, phát ban...
Sau khi nhiễm COVID-19 được hai tháng, một phụ nữ 35 tuổi ở TP.HCM bỗng bị phát ban mề đay, phát ban mụn trứng cá ở mặt, lưng, ngực... Tự mua thuốc về uống không hết, chị đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám. Chị cho biết trước đây chưa từng bị phát ban và nổi mụn như thế này.
ThS.BS Tạ Quốc Hưng, khoa da liễu thẩm mỹ da - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng của chị, như bị rối loạn miễn dịch gây ra phát ban, mề đay. Ngoài ra trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhân phải uống thuốc điều trị corticoid, thuốc chống đông máu cũng gây phát ban mụn trứng cá.
Việc người bệnh quá lo lắng, căng thẳng về bệnh COVID-19 cũng gây nổi mụn...
Thông thường, những trường hợp như chị sẽ được các bác sĩ điều trị như một trường hợp mụn trứng cá điển hình. Thường khoảng 1 tháng sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu giảm, sau 2-3 tháng bệnh nhân sẽ hết được 80% chứ làn da khó có thể trở về như lúc ban đầu.
BS Quốc Hưng khuyến cáo chị em sau khi nhiễm COVID-19 mà gặp những di chứng COVID-19 như phát ban da, viêm mạch máu... ảnh hưởng đến ngoại hình thì nên đến phòng khám da liễu điều trị, không nên tự ý dùng thuốc sẽ bị tác dụng phụ.
Đồng thời cần giữ tinh thần lạc quan, thoải mái để tránh xuất hiện tình trạng nám má do căng thẳng. Ngoài ra, sau COVID-19, người bệnh dễ bị suy giảm thể lực, không muốn vận động nên dễ tăng cân. Do vậy, cần chăm tập thể dục để chăm lo sức khỏe.
Đau khớp, đau cơ sau nhiễm COVID-19
Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân để họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS.BS Lê Thị Thu Hương, trưởng khoa nội hô hấp - cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết thời gian gần đây số người đến bệnh viện này khám hậu COVID-19 có xu hướng tăng lên. Ngoài các triệu chứng hậu COVID-19 thường gặp như khó thở, ho, tổn thương phổi… thì các bác sĩ cũng gặp các triệu chứng về cơ xương khớp.
Một số bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 xuất hiện các triệu chứng nhức mỏi, đau khớp, đau cơ, yếu cơ... Những trường hợp này các bác sĩ sẽ phải tìm xem bệnh nhân có bị hậu COVID-19 hay bệnh lý cơ xương khớp mới xuất hiện. Nếu xác định là do hậu COVID-19, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc và tập vật lý trị liệu.
Tuy nhiên, trong số những người đến bệnh viện khám, nhiều người không có biến chứng đáng kể, nhưng do lo lắng bị hậu COVID-19 nên muốn đến để kiểm tra sức khỏe. BS Thu Hương nhấn mạnh, không phải bệnh nhân nào từng dương tính cũng bị di chứng hậu COVID-19.
Khi bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 nhẹ hoặc không thuộc nhóm nguy cơ cao khi bị mắc COVID-19 (như lớn tuổi, có bệnh nền, từng nhập viện, từng bị COVID-19 nặng...) thì chỉ cần đến khám tại các cơ sở y tế tuyến cơ sở để được tư vấn và điều trị, tránh quá tải cho các bệnh viện chuyên khoa sâu.
Nhiều di chứng "hậu COVID" mới
Từ tháng 10-2021, thế giới có những định nghĩa chính thức về hội chứng hậu COVID-19. Đây là tình trạng bệnh ở những người đã từng mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, có những triệu chứng dai dẳng kéo dài ít nhất 2 tháng trở lên.
Những triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, có cả triệu chứng tâm thần kinh, thậm chí rối loạn nhận thức. Những triệu chứng này có thể là những triệu chứng mới khởi đầu sau khi hồi phục COVID-19 hoặc dai dẳng kéo dài từ khi mới nhiễm bệnh...
Gần đây các bác sĩ cảnh báo có nhiều di chứng "hậu COVID" khá mới, trong đó có triệu chứng "sương mù não" đang còn là một bí ẩn với giới y khoa và triệu chứng rất đa dạng.
Kỳ tới: 'Sương mù não' hậu COVID
TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Phước, BVĐK Bình Phước cũng mua sắm hóa chất, sinh phẩm với số lượng lớn từ Công ty Việt Á nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán.
Xem thêm: mth.90272631112102202-cuhn-uad-iougn-id-uax-gnud-gnob-91-divoc-uah-nahn-hneb-auc-ohk-ion/nv.ertiout