Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (MCK: IDP) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với kết quả kinh doanh vượt xa nhiều chỉ tiêu đề ra của công ty.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 doanh thu thuần của IDP đạt hơn 1.214 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí vốn hàng bán chỉ ghi nhận hơn 672 tỷ đồng, tăng nhẹ 12,9% so với cùng kỳ, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 542 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng 13% so với cùng kỳ, lên gần 195 tỷ đồng; trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp lại sụt giảm 9,6 tỷ đồng, xuống còn 4,3 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong kỳ tăng trưởng hơn gấp rưỡi lên 24,4 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chỉ tăng 2,5 tỷ đồng.
Trong kỳ công ty cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác 662 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1,2 tỷ đồng. Những nguyên nhân trên đã giúp Sữa Quốc tế ghi nhận khoản lãi sau thuế gần 279 tỷ đồng, tăng trưởng 44,8% so với kết quả quý IV/2020.
Trong năm, IDP có hai hợp đồng lớn bán sữa với hai đối tác nước ngoài là B.S Lucky 248 tỷ đồng và Guangzhou Debede Trade giá trị 87 tỷ đồng. Ngoài ra, một số hợp đồng trong nước lớn gồm bán sữa cho Foseca Việt Nam giá trị hơn 38 tỷ đồng; bán sản phẩm cho VinMart 22 tỷ đồng; bán cho Công ty TNHH Dịch vụ EB 69 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2021 doanh thu Sữa Quốc tế đạt 4.827 tỷ đồng, tăng 25,8% so với năm trước đó. Trong đó doanh thu tài chính đạt 74,6 tỷ đồng, tăng 28,7% so với năm trước trong khi chi phí tài chính lại giảm 29,3% xuống còn 27,5 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ mọi chi phí, năm 2021 doanh nghiệp sữa đem về tới gần 823 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất doanh nghiệp ghi nhận từ trước đến nay.
Trong năm 2021, IDP đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần là 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 530 tỷ đồng. Như vậy, sau 12 tháng hoạt động năng suất, công ty đã vượt 55,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Sữa Quốc Tế lên đến con số 2.962 tỷ đồng, tăng thêm hơn 800 tỷ đồng so với con số ghi nhận đầu năm. Cơ cấu tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 65% tổng tài sản (1.924 tỷ đồng). Trong đó, IDP có khoản tiền 1.207 tỷ đồng gửi ngắn hạn tại ngân hàng (tăng 327 tỷ đồng so với hồi đầu năm).
Nợ phải trả của IDP tính đến cuối tháng 12/2021 là 1.641 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nguồn vốn. Cơ cấu nợ toàn bộ đều là nợ ngắn hạn, chiếm nhiều nhất là khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 66,5 tỷ đồng so với đầu năm, lên 541,6 tỷ đồng.
Hiện nay, Sữa Quốc tế có 3 nhà máy. Nhà máy đầu tiên được xây dựng tại Chương Mỹ, Hà Nội vào năm 2004, nhà máy thứ hai nằm tại Ba Vì xây vào năm 2010. Ngoài ra, công ty còn có một nhà máy tại Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi (Tp.HCM).
Mới đây, IDP công bố sẽ đầu tư nhà máy mới tại Bình Dương với tổng mức đầu tư 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn của doanh nghiệp chỉ là 300 tỷ đồng và vốn vay sẽ là 2.500 tỷ đồng.
IDP đưa gần 59 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch UPCoM vào đầu năm 2021 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên 50.000 đồng/cổ phiếu. Sau khoảng một năm lên sàn, cổ phiếu IDP hầu như không có thanh khoản do cơ cấu cổ đông cô đặc nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng gấp 2,9 lần, chạm trần ở 148.600 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 21/1).
Được thành lập năm 2004, IDP được biết đến với thương hiệu địa phương là Sữa Ba Vì. Năm 2009, Công ty bắt đầu kế hoạch mở rộng khi phát triển nông trại bò sữa LIF Love'in Farm với tổng chi phí đầu tư 600 tỷ đồng.
Đến năm 2020, nhóm nhà đầu tư nước ngoài, nắm quyền thâu tóm IDP là Howard Holding bán lại công ty cho CTCP Bluepoint, VCSC và Lothamilk. Bên cạnh đó, IDP còn ghi nhận sự góp mặt của các cổ đông cá nhân như bà Đặng Phạm Minh Loan và ông Phan Văn Thắng. Từ đó doanh nghiệp sữa này ghi nhận tình hình kinh doanh khả quan trông thấy, kết quả kinh doanh cũng ghi nhận tăng trưởng vượt bậc.
Đến ngày 30/3/2021, CTCP Lothamilk đã thoái toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại IDP sang tay CTCP Gold Field International.