Chuyến hàng quân sự đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa viện trợ cho Ukraine đã được chuyển đến Kiev, trong bối cảnh các nước phương Tây đang lo lắng về một cuộc tấn công tiềm tàng nhắm vào nước này từ Nga.
Theo đài RT, Đại sứ quán Mỹ ở Kiev vào cuối ngày 21-1 đã đăng lên trên trang Twitter của mình những bức ảnh cho thấy nhiều chiếc thùng lớn màu xanh lục được dỡ xuống từ một máy bay chở hàng.
Đại sứ quán Mỹ ở Kiev đã đăng tải những bức ảnh cho thấy nhiều chiếc thùng lớn màu xanh lục được dỡ xuống từ một máy bay chở hàng. Ảnh: TWITTER
Đại sứ quán Mỹ cho biết các thùng này chứa gần 100 tấn "hàng viện trợ nguy hiểm chết người", bao gồm cả đạn dược dành cho "những người bảo vệ tuyến đầu của Ukraine”.
Cũng theo đại sứ quán, chuyến hàng viện trợ này là bằng chứng cho thấy “cam kết của Washington trong việc giúp Ukraine củng cố khả năng phòng thủ của mình khi đối mặt với sự hung hăng ngày càng tăng của Nga”.
Đại sứ quán Mỹ cho biết các thùng này chứa gần 100 tấn "hàng viện trợ nguy hiểm chết người", bao gồm cả đạn dược dành cho quân đội Ukraine. Ảnh: TWITTER
Trước đó, vào đầu tuần, Mỹ thông báo đang xúc tiến việc vận chuyển năm chiếc trực thăng vận tải Mi-17 do Nga sản xuất tới Kiev. Được mua từ Moscow và từng được các nước phương Tây sử dụng ở Afghanistan trước đó, những chiếc trực thăng này đã được đưa ra khỏi Kabul kể từ tháng 8-2021.
Chuyến bay chở hàng viện trợ của Mỹ đáp xuống Ukraine vào ngày 21-1. Ảnh: TWITTER
Bên cạnh Mỹ, chính quyền Anh cũng đã tặng tên lửa chống tăng cho chính phủ Ukraine, trong khi bộ trưởng quốc phòng các nước Baltic thông báo rằng họ đã nhận được sự chấp thuận của Mỹ để cung cấp cho Kiev các tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói rõ vào hôm 18-1 rằng đất nước của ông sẽ không xuất khẩu bất kỳ vũ khí sát thương nào cho Kiev.
Theo đại sứ quán Mỹ, chuyến hàng viện trợ này nhằm chứng minh “cam kết của Washington trong việc giúp Ukraine củng cố khả năng phòng thủ của mình". Ảnh: TWITTER
Việc các nước phương Tây liên tục đưa các loại bom, đạn tới Ukraine là để ngăn cản một cuộc “tấn công” sắp tới của Nga, điều mà Washington tuyên bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Phản hồi lại, Moscow đã nhiều lận phủ nhận suy đoán của phương Tây trong nhiều tuần qua, gọi các cáo buộc là nỗ lực kích động “sự cuồng loạn” và là “tin giả”.
Theo Nga, phương Tây phải chịu trách nhiệm về việc gia tăng căng thẳng ở Ukraine, vì những chuyến hàng vũ khí viện trợ của họ và việc NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) tiếp tục mở rộng về phía đông sẽ chỉ khuyến khích Kiev tìm kiếm một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột 'đóng băng' của họ ở khu vực Donbass.