Kiên Giang - Phát triển song hành cùng nghề đánh bắt, nghề làm tôm khô đã gắn bó với những cư dân miền biển huyện Kiên Lương qua nhiều thế hệ và giờ đây đã được công nhận là 1 nghề truyền thống.
Cháy hàng dịp Tết
Đến thăm những hộ làm tôm khô ở huyện Kiên Lương vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2022, ai nấy cũng đều bận rộn luôn tay. Người phơi, người nhặt vỏ, người đóng gói... ai cũng nhanh tay hoàn thành công đoạn của mình để kịp giao các đơn hàng Tết.
Nghề làm tôm khô đã có từ lâu đời và giúp nhiều hộ gia đình ở đây có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá. Vào dịp Tết này, số lượng làm ra không đủ cung cấp cho thị trường vì chất lượng tôm khô nơi đây rất thơm ngon, chuẩn vị tôm khô miền biển nên khách rất ưa chuộng.
Theo anh Nguyễn Hoàng Tiến, chủ cơ sở chế biến tôm khô ở Thị trấn Kiên Lương, nghề làm tôm khô có từ đời mẹ anh, đến đời anh tiếp tục duy trì và phát triển. Mỗi ngày, gần 20 nhân công có mặt tại cơ sở để thực hiện các công đoạn như rửa tôm tươi, luộc tôm, phơi tôm, sấy tôm, sàng sẩy vỏ để tạo ra những con tôm khô thành phẩm vừa đẹp mắt lại chắc thịt và ngọt.
Anh Tiến chia sẻ: “Nguyên liệu để chế biến tôm khô chủ yếu là tôm tươi được thu mua từ các ghe đánh bắt ở vùng biển Kiên Lương. Do sống ở vùng biển cát trắng nên con tôm Kiên Lương thịt rất trắng, có vị ngọt tự nhiên đặc trưng”.
Trung bình hàng tháng, cở sở của anh Tiến chế biến khoảng 3 tấn tôm khô các loại cung ứng cho chợ đầu mối Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh. Dịp tết này, dù đã tăng số lượng gần gấp đôi nhưng vẫn không đủ cung cho thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Nghề truyền thống
Với người dân huyện Kiên Lương, làm tôm khô không chỉ là làm món ăn hay là công việc kiếm ra tiền mà nó còn là nghề cha truyền con nối ăn sâu vào tiềm thức của họ. Con tôm khô gói trọn vị mặn từ biển khơi hòa quyện với vị ngọt từ sớ thịt để lại hương vị đặc biệt với người dùng.
Không chỉ là 1 nghề bình thường mà đây còn là nét văn hóa của cư dân miền biển Kiên Lương và đã được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là 1 trong 11 nghề truyền thống vào tháng 12.2021.
Nghề làm tôm khô đã xuất hiện ở nhiều xã của huyện Kiên Lương từ lâu đời nhưng tập trung chủ yếu vẫn ở thị trấn Kiên Lương với khoảng 300 hộ, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động.
Theo sự phát triển, các cơ sở đã trang bị máy móc làm 1 số công đoạn như sấy, máy đập vỏ, máy sàng vỏ để thời gian chế biến nhanh hơn.
Thời gian qua, Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương đã kết hợp với Chi cục phát triển nông nghiệp nông thôn hỗ trợ cho người dân một số máy móc để sản xuất như máy sấy, tủ đông, máy hút chân không.
Xem thêm: odl.305799-tet-pid-gnah-yahc-gnaig-neik-neib-ux-o-gnoht-neyurt-ohk-mot/et-hnik/nv.gnodoal