Trong 2 năm qua, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia mong muốn, các doanh nghiệp hãy cởi mở, nói lên những điều mình cần, và tiếp thu những ý kiến đóng góp và những mặt còn hạn chế để điều chỉnh, tiến tới chuẩn mực chung, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, với xã hội.
Việc hấp thu chính sách của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế
Phát biểu tại Diễn đàn "Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2022" do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trong 2 năm qua, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, dịch bệnh đã từng bước được khống chế và đẩy lùi, cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi nhưng vẫn cảnh giác, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
"Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, nhưng cũng chứng tỏ sức mạnh bền bỉ, sáng tạo, đổi mới, vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự phát triển ổn định kinh tế đất nước", ông Nam khẳng định.
Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thời gian qua đã có nhiều chính sách đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, việc hấp thu chính sách của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn có những nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời. Theo đó, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là tính kết nối, gắn kết giữa thực tiễn với chính sách.
Bên cạnh đó, việc tác động và tiếp thu ý kiến từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để ban hành chính sách vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và sự vận động của kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số rất nhanh và rất linh hoạt.
Ông Nam mong muốn các doanh nghiệp hãy cởi mở, nói lên những điều mình cần, và ngược lại, tiếp thu những ý kiến đóng góp và những mặt còn hạn chế để điều chỉnh, tiến tới chuẩn mực chung, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, với xã hội.
Tái cơ cấu doanh nghiệp là cơ hội và doanh nghiệp phải chủ động làm
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hỗ trợ kinh tế của Việt Nam so với mức chung của thế giới còn rất ít, trong đó đặc biệt là chính sách tài khóa còn ít hơn. Phần hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu hiện nay là chính sách tiền tệ. Điều này ghi nhận công lao của hệ thống ngân hàng, bao gồm ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại.
"Chính sách phục hồi lần này của Chính phủ có đặc điểm khác với các nước, đó là "phục hồi và phát triển". Trong khi đó, đa phần các nước trên thế giới chỉ dừng lại ở "phục hồi".
Việc đưa ra chính sách này bắt nguồn từ chỗ Việt Nam nhận thức đây là cơ hội để nền kinh tế thay đổi và phát triển mạnh mẽ, là cơ hội để Việt Nam hướng đến tương lai theo nghĩa cải cách và đột phá.
Doanh nghiệp cũng phải hiểu rằng, chúng ta đang đứng trước cơ hội thay đổi mình. Do đó việc tái cơ cấu doanh nghiệp là cơ hội và doanh nghiệp phải chủ động làm. Doanh nghiệp cần mượn sức để tái cơ cấu doanh nghiệp", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Hường - quyền Trưởng ban Thông tin và Truyền thông - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, ngân hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung với các doanh nghiệp đều là những người kinh doanh, có mối quan hệ tương hỗ với nhau, là bạn hàng của nhau, là đối tác của nhau.
Nhưng trên thực tế, các ngân hàng là các doanh nghiệp lớn, tiềm lực kinh tế mạnh, nên nói một cách dân dã là ở "cửa trên" trong mối quan hệ qua lại này.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường đề xuất, mỗi ngân hàng xây dựng một chính sách đặc biệt chăm sóc cho các doanh nghiệp đang là khách hàng của mình, điều kiện là doanh nghiệp có phát sinh doanh thu trong hai năm qua, mặc dù có thể giảm sút so với năm 2019, doanh nghiệp không có nợ xấu, hoặc các doanh nghiệp ở các lĩnh vực ngành nghề đang có cơ hội hồi phục tốt như du lịch, dịch vụ.
Xem thêm: odl.557799-peihgn-hnaod-cos-mahc-teib-cad-hcas-hnihc-gnud-yax-nac-gnah-nagn/et-hnik/nv.gnodoal