Nắng ủ thơm giòn đường phố Sài Gòn - Ảnh: SÂM CẦM
"Mừng không hả nắng?
Người thôi đi vắng
Có nhiều tiếng xe".
Tôi đã viết mấy lời thơ trẻ con ấy vào nhật ký của mình khi Sài Gòn kết thúc giãn cách. Khi tôi hết những ngày nằm - ngồi nghe nắng, nhìn nắng qua ô cửa. Khi tôi được len vào những tiếng xe ầm ào xuống phố đầy trĩu hơi người.
Tôi đâu cần hỏi những người con của thành phố vừa mới ốm dậy. Ai cũng nhìn thấy nỗi mừng đó trong nỗi mừng của chính mình. Thế nên, tôi hỏi ngược lại nắng, hỏi nắng có mừng không, có thấy thiếu vắng chúng tôi trong một mùa dịch dài đằng đẵng?
Những ngày tháng chạp, tôi đi trong thành phố nắng đầy. Tôi không nói về màu nắng đang ủ thơm giòn cả Sài Gòn của tôi. Tôi muốn khoe việc nắng được đủ đầy, đủ đầy những điều bình thường. Sự đủ đầy của nắng tôi có thể đếm được, nhìn được, chạm được.
Nắng đầy trong thành phố của tôi khi tôi qua các cột đèn xanh đỏ. Lúc đó nắng đậu lại, chơi với nhiều người hơn, và chơi lâu hơn với họ một chút, thậm chí trêu đùa hoặc nhìn ngắm nhiều dễ chịu trên các khuôn mặt ẩn sau lớp khẩu trang kia.
Mọi thứ đã học được cách kiên nhẫn, chậm lại, để chúng ta có thời gian kết nối, nhìn rõ những điều cần thấy. Tôi nhớ mùa dịch, một em gái nói rằng chỉ cần Sài Gòn khỏe, em được ra đường, em sẽ không bao giờ khó chịu vì kẹt xe, khói bụi nữa, em sẽ mỉm cười với tất cả mọi người em gặp, với mọi cái cây bên đường, dẫu chỉ qua lớp khẩu trang.
Tôi tin sau một trận đối mặt với rất nhiều thiếu vắng, chúng ta đã biết cách tự điền giúp nhau, làm đầy những thiếu khuyết của nhau. Hay đơn giản hơn là chấp nhận nhau, như chúng ta vốn là.
Nắng đầy trong thành phố của tôi khi chạm vào một em bé được bồng ra phơi nắng trước ngõ. Có rất nhiều em bé xíu xiu, vừa mở mắt chào thế giới hay chập chững đặt những bước chân đầu tiên trên mặt đất nay được đặt vào các ô nắng sớm. Các em bé cần nắng để hồng hào, khỏe khoắn. Các em bé cần được chơi với nắng để lớn lên. Đó là điều dịu dàng nhất mà nắng được nhận mỗi ngày, làm đời sống thật sự sống.
Khi ngắm nhìn em bé trong nắng ấy, tôi cũng chỉ nghĩ mình là một em bé khác. Ai cũng có một em bé trong mình, tôi tin thế. Chỉ là, cần biết dọn dẹp và nuôi dưỡng để thơ trẻ ấy hiển lộ, vững chãi. Thế nên, một "em bé" tôi vừa bước ra khỏi trận dịch, ít nhiều chịu thương tổn cũng cần một ô nắng sớm, để có thể vỗ về đứa trẻ bên trong thật nhẹ nhàng. Ô nắng sớm ấy, không chỉ làm lòng mình an lành, thơm tho mà còn khiến người khác ấm áp, dễ chịu.
Nắng đầy trong thành phố của tôi khi cô thu mua ve chai, chị bán vé số, anh xe ôm công nghệ, chú sửa xe, em giao hàng... được - rám - nắng. Rám nắng đồng nghĩa với "được mưu sinh". Tôi từng nghe lời thổ lộ vừa ẩn nhẫn vừa tự trào "ở nhà riết cô trắng quá trời, chết vì trắng đó con" của cô thu gom ve chai rồi cố cười theo mà dạ rưng rưng.
Tôi không hỏi cô ngày nào về Tết như mọi năm nữa, tôi biết, cô sẽ ở lại thành phố này, chạy hụt hơi theo con nắng, để có một mùa nắng khác. Có thể mắt mũi cô sẽ ửng đỏ hay cay nồng nhưng lòng cô sẽ được ủi an vì "cô tới nhà nào họ cũng để dành cho cô quá trời thứ".
Nắng đầy trong thành phố của tôi khi có người gọi thầm nắng ở đây, kêu lên nắng ở đó. Mỗi người đều có một con nắng của riêng mình, màu nắng của tâm trí mình. Đầy thơm tho, ngọt ngào hay đầy những ướt rịn mồ hôi, nồng hăng, khét cháy... đều do người thắp nắng. Nắng của dương gian bao giờ cũng hiển hiện, nhưng nắng trong lòng mình luôn cần được thắp lên, theo cách mình muốn.
Những ngày tháng chạp, đi trong thành phố nắng đầy, tôi để nắng tràn vào tôi. Nắng mới. Màu và mùi của sự khỏe mạnh, đủ đầy.
TTO - Tin vui dành cho giới đọc sách đầu năm 2022 là không gian đọc Nam Thi House, (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, đối diện Hội trường Thống Nhất) khai trương sáng 13-1. Người quản lý là Đặng Nguyễn Đông Vy - giám đốc dự án.
Xem thêm: mth.88063357032102202-yad-gnan-ohp-hnaht-gnort-id/nv.ertiout