Các bạn cũng có tâm lý Tết thì phải để dành để sắm sửa đầy đủ, tránh thiếu sót
Nhiều người vẫn nghĩ câu chuyện để dành chỉ còn trong Tết của ngày xưa, khi ông bà cha mẹ dành dụm những món ngon nhất, con gà béo nhất, phần gạo tốt nhất... cho mâm cỗ Mùng 1. Nhưng dường như nét văn hóa này cũng đã truyền sang giới trẻ, khi họ vẫn được dặn dò để dành những điều tốt đẹp từ người thân, bạn bè, đừng hoang phí cho đến Tết .
"Cứ gần đến Tết là được nghe"
Những ngày cận Tết Nhâm Dần, từ già đến trẻ ai cũng tất bật với những công việc riêng, người lớn bận rộn với bàn thờ cúng, chuẩn bị sắm sửa cho gia đình, người trẻ tranh thủ "xong deadline" mùa cuối năm. Nhưng ai cũng biết làm cả năm là "để dành cho Tết".
"Nhà mình kinh doanh gạo, cứ đến gần Tết, mẹ sẽ lựa ra loại ngon nhất, tốt nhất chừa ra để dành đó ăn mấy ngày đầu năm. Còn mình, không phải chỉ Tết, mà quanh năm đều nghe câu này", Phương Linh (26 tuổi, kinh doanh tại nhà) cho biết.
Cùng phụ giúp mẹ kinh doanh, Phương Linh cũng thấm thói quen để dành đồ đẹp, ngon nhất cho ngày Tết - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thùy Trang (30 tuổi, làm công việc tự do) chia sẻ, điều cô hay được mẹ dặn dò là để dành quần áo đẹp cho Tết: "Mày cứ lôi đồ đẹp ra dùng thì Tết lấy gì mặc hả con?".
Là con gái, Jane (29 tuổi) cũng thường được bạn bè tư vấn, nhắc nhở về việc để dành quần áo, giày dép cho ngày đầu xuân, nhưng bạn vẫn nhớ như in câu nói "Tết nhớ dành chút thời gian cho gia đình". Cô kể: "Dù một năm chỉ nghe một lần, nhưng mình nhớ mãi. Dường như mình đã bận rộn cả năm mà quên chừa lại những giây phút nghỉ ngơi với gia đình".
Muôn kiểu cảm xúc với câu chuyện "dành đến Tết"
Lê Mạnh Dũng (ngụ tại Tân Bình, TP.HCM) nói: "Mỗi khi nghe câu nói này, mình cảm thấy giận bản thân vô cùng, phần vì phải phiền người lớn nhắc nhở, còn lại vẫn chưa thể giúp mọi người bớt lo ngày Tết".
Hữu Trung (sinh viên đại học Kinh tế TPHCM) cũng đã để dành được một ít để sắm sửa cũng như chi tiêu. Anh kể: "Mình thấy vui khi để dành được tiền biếu bố mẹ cũng như lo cho bản thân, cảm giác phấn khởi lắm. Mẹ cũng hay dặn mình nhớ cất tiền lì xì đi, có gì lấy ra xài".
Có cùng cảm giác ấy, Nguyễn Hoàng Nhật Minh (18 tuổi, sinh viên Cao đẳng) nói: "Mình rất háo hức khi được nghe câu Để dành đến Tết, cảm giác tất cả mọi điều tốt đẹp sẽ dồn cả vào ngày Tết vậy".
"Càng nghĩ sâu hơn về câu chuyện để dành cho Tết, mình càng ngẫm lại. Người trẻ chúng mình cũng phải làm quần quật cả năm để có chút xíu khoản dư cho bản thân, vậy mà ngày xưa ông bà ba mẹ phải cực thế nào để lo cho cả nhà, cho con ấm no đủ ba mùng Tết nhỉ?", Minh Phát (26 tuổi, giáo viên âm nhạc) ngậm ngùi.
Tết là phải mới - mới yên tâm Tết
Người trẻ là thế hệ luôn yêu thích sự thay đổi và mới mẻ, nhất là khi họ được khoác lên mình những bộ cánh mới, với tâm hồn và tinh thần mới cho ngày xuân sắp đến.
Minh Phát nói: "Dẫu có thế nào, chuyện để dành là đúng quá rồi. Ai chẳng mong sẽ có một mâm cơm đủ đầy, ai chẳng mong được mặc quần áo mới đi lễ, chùa, ai chẳng mong tuổi mới được nhiều điều mới đến?".
Nhật Minh (26 tuổi, ngụ tại quận 11) cũng chia sẻ: "Cứ phải mới cái đã. Tết là phải mới. Được cùng gia đình mua sắm, được sửa soạn cho ngày đầu năm những món mứt quả bánh kẹo, cảm giác lạ lắm".
Bạn Lê Mạnh Linh tự nhủ: "Năm nay hy vọng Tết cho mình hoàn thành xong mục tiêu lấy vợ là tuyệt nhất, mới nhất Tết nhé!".
Kim Thơ (sinh viên ngành Kế toán) cho hay: "Mình nghĩ người lớn muốn con cháu biết tiết kiệm, chắt chiu những gì tốt đẹp cho dịp Tết, vì họ sợ người trẻ sẽ hoang phí. Mình hiểu suy nghĩ ấy. Đó còn là cảm giác được yêu thương nhiều hơn, khắng khít nhiều hơn chứ không đơn thuần là lời dặn suông nữa rồi".
Thơ thường xuyên được mẹ kể về những phong tục, tập quán mà ông bà thường làm - Ảnh do nhân vật cung cấp
"Đói quanh năm giàu ba ngày Tết", đó có lẽ là câu những người đi trước thường truyền miệng nhau. Đến giờ, nét văn hóa ấy có lẽ đã biến tấu đi nhiều, nhưng tình cảm, sự quan tâm của gia đình, bạn bè và giữa con người nhau mỗi khi xuân về mới là nét đẹp muôn đời của người Việt, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hôm nay.
TTO - Tháng chạp, Sài Gòn se se lạnh. Má gọi điện nói ở quê mùa này mưa nhiều. Đây là dịp con cháu trong mỗi tộc họ quây quần về nhà người trưởng tộc, cùng nhau đi thăm mộ, dẩy mả, thắp nhang cho ông bà tổ tiên.
Xem thêm: mth.43945330112102202-man-uad-pid-ohc-ped-tot-iom-ueid-gnuhn-uihc-tahc-tet-ned-hnad-ed/nv.ertiout