Dù chưa thật sự sôi động nhưng tốc độ mua sắm Tết tại các chợ dân sinh và siêu thị đang “ấm” dần, hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Chi tiêu tiết kiệm, hàng nội "chiều lòng" người tiêu dùng
Ghi nhận của PV Lao Động tại các siêu thị, chợ dân sinh cho thấy, sức mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng Tết Nguyên đán 2022 trong những ngày gần đây đã bắt đầu tăng tích cực trở lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng có chiều hướng mua sắm thiết thực và tiết kiệm hơn. Những mặt hàng được quan tâm chủ yếu vẫn là hàng Việt Nam sản xuất trong nước, tập trung vào các mặt hàng truyền thống trong dịp Tết như: Thực phẩm chế biến (giò, chả, thịt hun khói, bánh chưng, nem...); thực phẩm tươi sống (hải sản, thịt gia súc, gia cầm, trứng, sữa...) và các loại trái cây, rau củ tươi của Việt Nam có giá phù hợp.
Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, ngày 23.1.2022, lượng khách trong ngày cuối tuần có xu hướng tăng hơn so với ngày thường, doanh số bán ra cũng tốt hơn. Dự đoán trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người tiêu dùng năm nay sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, đồ uống có cồn… nên Co.opmart Hà Nội chủ yếu tập trung tăng lượng hàng này.
Hapro cũng đưa ra nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong những ngày Tết cổ truyền 2022 với tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt 1.000 tỉ đồng, trong đó bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.Hà Nội.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT), cho biết: Hội chợ Xuân Nhâm Dần 2022 khai mạc từ ngày 22.1, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt khách ghé thăm các gian hàng. Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì đây là số lượng khách khá lạc quan.
Các mặt hàng bán chạy chủ yếu là thực phẩm chế biến như các loại giò chả Phú Thượng (Hà Nội), thịt bò hun khói, bò một nắng (Phú Yên), hành, tỏi (Lý Sơn - Quảng Ngãi); chả mực giã tay Hạ Long (Quảng Ninh), nước mắm tại các tỉnh có tiếng như Phan Thiết, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh; gạo ST25, ST24…
“Nhìn chung, các sản phẩm chế biến trong nước chất lượng cao, giá cả hợp lý đều thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Hiện sức mua đang tăng dần” – ông Đào Văn Hồ nói.
Ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Saigon Co.op cũng thông tin: Người tiêu dùng tại TPHCM vừa trải qua đại dịch COVID-19 và “sức khỏe” tài chính của mỗi gia đình vẫn chưa thể trở về bình thường, nên vẫn là những khách hàng đó nhưng nhu cầu, thói quen mua sắm đã thay đổi, người dân dịch chuyển nhu cầu từ việc tiêu dùng sản phẩm không thiết yếu sang sản phẩm thiết yếu; chuyển từ mua các sản phẩm cao cấp sang các mặt hàng bình dân hơn. Do đó, các mặt hàng xa xỉ phẩm, hàng nhập ngoại giá cao bán ra không nhiều như các năm trước.
Kiểm soát chất lượng, không để giá "nhảy múa"
Theo Bộ Công Thương, Hà Nội đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng người dân cũng đã bình tĩnh hơn vì đã có kinh nghiệm phòng chống dịch. Lượng khách mua sắm Tết tại các siêu thị cũng đông hơn so với tuần trước.
“Chúng tôi chủ động nguồn hàng từ nhiều tháng trước Tết nên nguồn cung dồi dào, đủ để người dân mua sắm thoải mái, không lo khan hàng, sốt giá” – bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (Hà Đông-Hà Nội), cho hay.
Đại diện siêu thị Hapro cũng cho biết, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài 13 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, sữa, bánh mứt kẹo, đường, gia vị (mắm, mì chính, muối), rượu bia – nước giải khát…, Hapro còn dự trữ thêm nhiều mặt hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân, không để thiếu hàng, sốt giá.
Để người dân mua sắm Tết an toàn, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đang đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xăng dầu… không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Đồng thời, chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử, các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Xem thêm: odl.759799-tet-mas-aum-gnud-ueit-iougn-hnax-tam-tol-coun-gnort-taus-nas-gnah/et-hnik/nv.gnodoal