Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: LÀNG MAI
Như nhiều người Việt khác, tôi sinh ra trong chiếc nôi gia đình có truyền thống đạo ông bà - lấy việc thờ cúng tổ tiên làm nếp sống tâm linh. Rồi một ngày, tôi được người hàng xóm dắt đi chùa, ngôi chùa làng với hình tượng ông Thiện ông Ác răn dạy con người sống lương thiện để hưởng quả tốt lành.
Ở ngôi chùa làng ấy, tôi được nhìn thấy một Đức Phật với những quyền năng vô song. Tôi nương tựa Phật với ý niệm sơ khai chỉ là để được ngài gia hộ, giúp mình vượt qua những lao khổ mà bản thân đang trải.
Theo năm tháng, tôi cũng là Phật tử được quy y Tam bảo, có pháp danh, nhưng vẫn chỉ biết đến Phật như là vị "ban vui cứu khổ" để mình cầu nguyện, thở than, cầu xin những điều may mắn, thuận lợi cho mình.
Nương tựa chính mình
Và rồi Thầy về. Đó là năm 2005, khi đó tôi đang là sinh viên và thường đi sinh hoạt ở một ngôi chùa tại Bình Thạnh (TP.HCM). Các thầy ở ngôi chùa ấy rất háo hức khi hay tin thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước sau nhiều năm sống và hành đạo ở nước ngoài.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Huế trong chuyến trở về Việt Nam năm 2005 - chuyến đi được thiền sư xem là một cơ hội lớn, một hạnh phúc lớn - Ảnh: KHẢ LINH
Một không khí hoan hỉ lan tỏa trong từng ngôi chùa khi có nhiều hoạt động, khóa tu dành cho tăng ni, Phật tử dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai. Tôi hòa vào không khí ấy khi quyết định cùng một người bạn đăng ký tham dự khóa tu dành cho cư sĩ Phật tử.
Lần đầu tiên được tiếp cận một phương pháp thực tập mới - thiền Làng Mai - với việc thực tập chánh niệm trong mỗi giây, mỗi phút hiện tại giúp tôi cởi bỏ những cái thấy về Phật giáo trước đây.
Một Phật giáo gần gũi, giản dị như chỉ cần thở vào biết mình đang thở vào, thở ra biết mình đang thở ra đã làm tôi được "làm mới", Thầy khai thị cho tôi sáng mắt sáng lòng, rằng mỗi người phải về nương tựa chính mình, trong mình cũng có một vị Phật sáng suốt tròn đầy.
Lâu nay tôi thấy Phật ở xa mình quá, vời vợi mà phải chờ đến khi chết rồi, nếu có sự tu tập mình mới về đó được. Thầy giúp tôi, và có lẽ nhiều người đang loay hoay tìm Phật, thấy được Phật ở ngay đây, bây giờ, chỉ cần mình quay trở lại, "an trú trong hiện tại".
Và khi sống với vị Phật hiện tiền là tâm trí sáng suốt, tĩnh lặng, an nhiên do thấu triệt nhân - duyên - quả thì tự nhiên ta sẽ không còn lo lắng hay sợ hãi bất cứ điều gì nữa.
Việc của một Phật tử chân chánh là sống an trong mọi hoàn cảnh, sống lành trong mọi mối quan hệ, không chỉ con người mà cả với loài khác, với cây cỏ, đất mẹ, thiên nhiên…
Nghe tiếng lòng của người thương
Thật thú vị khi thiền sư nói rằng "Đất Mẹ là vị Bồ tát", bởi Đất Mẹ là nơi ta nương tựa, ôm ấp, nuôi dưỡng ta với lòng từ bi vô đối. Điều đặc biệt, trong mỗi bài giảng và sự hướng dẫn tu tập của mình, Thầy và Tăng thân Làng Mai đều hướng mỗi người đến việc nhận diện hiện tại, những mối quan hệ mình đang trải có những lỗ hổng hay vết rạn nào để hàn gắn, chuyển hóa…
Thầy nhìn thấy những đổ vỡ trong lòng người vì những sân si, do cái tôi quá lớn nơi con người nên Thầy đề nghị: hãy ngồi lại với người mình thương để giãi bày nỗi khổ niềm đau của mình và nhờ họ giúp đỡ.
Với chất giọng Huế nhẹ nhàng, ấm áp, Thầy nói: "Quý vị hãy mời người thân người thương của mình ngồi xuống cùng thực tập. Hãy nói với họ rằng, ba ơi/ mẹ ơi/ anh ơi/ em ơi…, con/ em/ anh… đang khổ đây".
Từ đó, nói ra những tri giác sai lầm của mình về họ để lắng nghe họ giãi bày trở lại, với sự lắng nghe chân thành.
Có những gia đình đã được mời lên thực tập trước đại chúng và ôm nhau khóc. Họ nói họ hạnh phúc vì lâu rồi chưa được nghe người thân thương trút cạn lòng mình như thế, những ách tắc trong lòng cứ thế ngày một dày sâu, đến khi không còn muốn nhìn thấy mặt nhau nữa.
Đóng góp của Thầy ở khía cạnh học thuật, truyền đạo, hòa giải dân tộc, hòa bình thế giới… đã được nhắc nhiều. Với tôi, Thầy còn như người ông gần gũi mà chắc hẳn mỗi người khi nhớ tới sẽ biết ơn vì nhờ những đề nghị "làm mới" mối quan hệ đang đứng bên bờ vực thẳm mà họ có thể kết nối trở lại, cứu vãn được gia đình khỏi những đổ vỡ đau lòng.
Cánh cửa lòng dù có chặt bao nhiêu thì với sự chân thành, chúng ta cũng sẽ từ từ mở được.
Thầy là vầng trăng mát, bởi sự có mặt của Thầy đã làm nhiều người biết đến, làm theo có thể mát mẻ như được đi từng bước thảnh thơi dưới tán cây trong đêm trăng thanh vời vợi vậy.
TTO - Vậy là thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi trọn con đường hành hương xuyên qua hai thế kỷ biến động của đất nước và nhân loại.
Xem thêm: mth.3665832232102202-tam-gnart-gnav-al-yaht-hnah-tahn-hciht-us-neiht-ohn/nv.ertiout