Hiện, các hộ của làng nghề đang tất bật “chạy đua” sản xuất sản phẩm cá khô các loại, để phục vụ cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm chất lượng trong dịp Tết cổ truyền.
Đang cùng nhân công tất bật chuẩn bị nguồn nguyên liệu để đưa cá lên giàn phơi đón ánh nắng đầu tiên của ngày mới, bà Nguyễn Thị Tươi, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại cho hay, vào dịp cuối năm là thời gian bận rộn nhất của người dân sản xuất khô tại làng nghề cá khô Bình Thắng.
Thời điểm này, các hộ dân làm nghề cá khô đang gấp rút cho các đơn hàng vào dịp cuối năm để phục vụ tết sắp tới. Cùng đó, thời điểm hiện nay, các tàu thuyền đánh cá đang tập trung về bến để vui Xuân, đón Tết. Do vậy, lượng cá nguyên liệu để làm khô dồi dào hơn, người dân làm cá khô tăng tối đa công suất để vừa có cá khô bán dịp tết, vừa để sản xuất hàng trữ lại cho những tháng đầu năm khi tàu đánh cá ra khơi, nguồn nguyên liệu khan hiếm.
Chia sẻ với Báo Tin tức, vào dịp cuối năm, lượng hàng tăng lên nhưng do tuân thủ quy định phòng chống dịch nên cơ sở của gia đình không thuê thêm nhân công thời vụ, chỉ có 4 nhân công làm xuyên suốt để đảm bảo phòng chống dịch.
Tuy năm nay ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng tình hình sản xuất khô cá vẫn khả quan vào dịp cuối năm, các đơn hàng truyền thống tại các tỉnh vẫn đặt hàng, hứa hẹn có một cái tết vui tươi, sung túc tại làng cá khô Bình Thắng.
Từ làng nghề truyền thống với hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, giờ đây dân làng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm ngon hơn, bảo quản được lâu nên sản phẩm được bán đi xa hơn. Hiện tại, người dân không chỉ mở rộng sản xuất mà còn hướng đến sản phẩm sạch nhằm phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Đặng Hoàng Nam, Công ty Thương mại Cá Việt cho hay, khu vực biển Bình Đại với làng nghề khai thác thủy sản lâu đời, đây là điều kiện để phát triển ngành cá khô xuất khẩu. Hiện công ty đang sản xuất các loại cá khô để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ với sản lượng hơn 700 tấn năm, kim ngạch xuất khẩu hơn 16 triệu USD/năm; trong đó, làng nghề khai thác thủy sản Bình Đại cung ứng hơn 20% nguyên liệu sản xuất của công ty.
Ông Nam cho biết, trong thời gian tới, công ty tiếp tục liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tàu khai thác đánh bắt thủy sản của địa phương để có vùng nguyên liệu ổn định hơn trong sản xuất.
Nằm dọc sông Tiền cách biển chỉ 5km, làng nghề chài lưới xã Bình Thắng hình từ rất lâu đời. Từ sản xuất tiêu thụ tại địa phương, đến nay làng nghề cá khô Bình thắng hình thành và phát triển với sản lượng khá lớn và tiêu thụ khắp các tỉnh trong khu vực. Những con cá tươi ngon, qua bàn tay khéo léo của bà con làng nghề đã biến thành món cá khô thơm ngon và là đặc sản của huyện Bình Đại như: khô cá lù đù, mực một nắng, cá chỉ vàng, cá lưỡi trâu, cá đổng...
Sản phẩm từ làng nghề cũng ngày một vươn xa để đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của nhiều gia đình.
Theo ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thắng, năm 2007, làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng được UBND tỉnh Tre công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện tại, làng nghề 26 hộ tham gia sản xuất, với sản lượng bình quân khoảng hơn 1 tấn cá khô/ngày. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán, sản lượng cá khô của làng nghề tăng lên gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Làng nghề cá khô Bình Thắng hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là những tháng gần Tết vì nhu cầu của thị trường lớn. Sản phẩm của làng nghề rất phong phú như: cá khô, cá tẩm gia vị, cá một nắng, mực một nắng...
Ông Phong cho biết thêm, hiện nay địa phương phối hợp ngành chức năng hướng dẫn người dân làng nghề sản xuất sản phẩm ngày càng chất lượng, theo quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, xã cũng đang làm hồ sơ để sản phẩm cá khô làng nghề đăng ký sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, địa phương hướng tới xây dựng thương hiệu làng nghề để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.
Các làng nghề linh hoạt thích ứng sau “bão Covid”
Mùa Tết năm nay, nhiều hộ gia đình làng nghề vui hơn bởi thị trường đã phần nào ổn định, người dân cũng sẵn sàng chi tiêu cho Tết. Nhiều sản phẩm, mẫu mã lạ, độc được giới thiệu đến khách hàng, kích thích người dân mua sắm.
Tại làng Tranh Khúc, nhiều loại bánh như lạ như: bánh chưng gạo lứt, bánh chưng chay, bánh chưng nhân sầu riêng cũng được một số gia đình làm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong khi đó, tại làng gốm Bát Tràng, sản phẩm biểu tượng con hổ được nhiều khách hàng đặt đơn. Trong các xưởng tại làng gốm Bát Tràng, khuôn hình con hổ với đủ loại kích cỡ được thợ xếp đầy lối vào ra. Để một sản phẩm gốm ra lò đẹp mắt, nhẵn nhụi, người thợ thủ công phải tỉ mẩn từng đường nét, pha sơn chuẩn màu để đảm bảo cho thành phẩm vừa đẹp mắt vừa mang nét riêng biệt của thương hiệu gốm Bát Tràng.
Đặc biệt, những người thợ lành nghề trong làng đã sản xuất nên bộ Kỳ Linh Nhâm Dần 2022 đắt giá, lên tới hàng chục triệu đồng. Thời điểm này, ngoài các sản phẩm Kỳ Linh hình tượng hổ, đội ngũ nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đang tất bật gấp rút chuẩn bị các sản phẩm gốm sứ khác để phục vụ khách cho dịp Tết Âm lịch đang tới gần.
Không chỉ hân hoan bởi nhịp sống đã trở lại ổn định, không khí sản xuất tại các làng nghề vào độ Tết năm nay còn khiến cho những người thợ, nghệ nhân vui hơn bởi bản sắc làng nghề vẫn được giữ gìn.
Tại làng hương Quảng Phú Cầu, năm 2021, dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh của người dân gặp nhiều khó khăn, doanh số sụt giảm 30% so với mọi năm. Tuy nhiên, dân làng Quảng Phú Cầu vẫn tin tưởng việc kinh doanh sẽ hồi phục sớm trong năm 2022 khi dân cư đã tiêm chủng đủ.
Anh Nguyễn Văn Đạo – công nhân xưởng chân hương ở đây cho biết, 14 năm gắn bó với mùi hương trầm, công việc đem đến cho anh thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Dịp cận Tết, do đơn đặt hàng nhiều nên thường phải tăng ca, mỗi giờ tăng ca như thế được thêm khoảng 60 nghìn đồng.
Anh chia sẻ: “Nghề này vất vả, nặng nhọc nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Yêu nghề nào thì làm nghề đấy, chỉ khi già yếu không còn sức thì mới không làm nữa. Nghề làm hương sẽ không bao giờ mất đi, bởi nhà nào cũng cần dùng hương cả”.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc HTX Sản xuất hương làng nghề Xà Cầu, Hà Nội cho biết: “Mọi năm đến tháng 11, 12 âm lịch chúng tôi chỉ có xuất bán thôi, nhưng năm nay đến giờ này chúng tôi vẫn phải làm, bởi có lượng hàng đặt phát sinh so với kế hoạch. Mặc dù hiện nay cơ chế thị trường đang phát triển, nhiều mặt hàng khác lợi nhuận cao hơn nhưng chúng tôi vì tình yêu quê hương nên cũng cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc làng nghề truyền thống”.
Hương Anh (tổng hợp)