Đúng 8h sáng 23-1, thiền sư Thích Nhất Hạnh được các tăng ni di chuyển từ mật thất đến thiền đường Tổ đình Từ Hiếu (TP Huế) để thực hiện nghi lễ nhập kim quan - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một lễ tang rất đặc biệt, không loa đài, không vòng hoa, không ban tổ chức tang lễ.
Hàng ngàn phật tử đến tiễn sư ông
Từ tờ mờ sáng, hàng ngàn môn đệ Làng Mai, tăng ni, phật tử muôn phương đã đổ về Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) để mong được hành lễ trước nhục thể của thiền sư Thích Nhất Hạnh lần cuối.
Dòng người xếp hàng dài mãi từ trước cửa thất Lắng Nghe - nơi thiền sư viên tịch đến tận cổng chùa Từ Hiếu.
Nhiều phật tử đến lễ tâm tang với nến, hoa hồng, hoa cúc trắng và cả những cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh trên tay. Họ chọn cho mình một góc ở chùa, ngồi xếp chân tư thế hoa sen rồi nhắm mắt, lặng im.
Cầm trên tay một đóa hoa hồng trắng, chị Phan Thị Hòa (TP Huế) nói rằng những bài giảng, những tác phẩm của sư ông Làng Mai đã giúp chị rất nhiều trong việc cân bằng cuộc sống.
"Sư ông viên tịch thật buồn. Nhưng như những lời thầy dạy là "không có gì đã qua và đã mất", nên tôi đến đây với mong muốn được nhìn thấy sư ông lần cuối và cũng không buồn đau lắm đâu. Hãy thở đi và chúng ta sẽ gặp sư ông mỗi ngày", chị Hòa nói.
Đúng 8h sáng, lễ nhập kim quan của thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu. Nhục thể của thiền sư được đưa từ mật thất Lắng Nghe đến thất Trăng Rằm trong vòng tay của chúng đệ tử.
Buổi lễ diễn ra nhanh chóng trong tiếng cầu kinh phật nhẹ nhàng, không loa đài, không vòng hoa, trường liên. Sau lễ nhập kim quan, nhà chùa bắt đầu hướng dẫn các phật tử vào viếng thiền sư. Phật tử đã được phát một băng tang màu vàng đeo trước ngực, trên đó có nội dung "đến đi thong dong".
Lễ tâm tang của thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài 7 ngày chính thức bắt đầu, trong im lặng.
Phật tử bật khóc khi chứng kiến lễ nhập kim quan thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khóa tu im lặng nuôi dưỡng sự bình an
Theo thượng tọa Thích Từ Đạo - giám tự chùa Từ Hiếu, tâm tang nghĩa là tổ chức tang lễ một cách nhẹ nhàng, trang nghiêm, tĩnh lặng, không có ban tổ chức, không rườm rà.
Nhà chùa cũng sẽ tiếp đón phật tử ở các nơi đổ về hành lễ. Những phật tử không thể về được có thể điện thoại chia buồn hoặc tham gia thực tập khóa tu im lặng tại nơi mình sống. Lễ tâm tang đã được các môn đệ Làng Mai và những người tổ chức tang lễ truyền hình trực tiếp qua các nền tảng mạng xã hội để mọi người ở xa đều có thể tham dự.
Trên trang web chính thức của Làng Mai, các môn đệ của thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng dù hơn 7 năm qua (kể từ sau trận tai biến của thiền sư vào năm 2014) đã dành thời gian thực tập để "chuẩn bị cho một biểu hiện mới của ngài", thế nhưng nhiều môn đệ vẫn cảm thấy hụt hẫng, thiếu nơi nương tựa.
"Để giúp cho chúng con vượt qua được những giây phút này, chúng con đã xin phép chư tôn đức để tổ chức theo di huấn của sư ông chúng con một khóa tu im lặng hùng tráng trong thời gian tang lễ. Chúng con ý thức rằng một khóa tu như thế sẽ giúp chúng con yểm trợ cho nhau, nuôi dưỡng được sự bình an, vững chãi trong tâm hồn" - các môn đệ Làng Mai viết.
Đại diện chùa Từ Hiếu cũng cho hay khoảnh sân trước thất Trăng Rằm - nơi đặt kim quan của thiền sư không đủ rộng cho mọi người cùng thực tập khóa tu im lặng. Vậy nên nhà chùa kính xin quý vị phật tử hoan hỷ tìm cho mình một chỗ ngồi thích hợp trong các khu vực mở rộng xung quanh chùa để cùng thực tập.
Dự kiến đến ngày thứ bảy (29-1), kim quan của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được đưa đến công viên Vĩnh Hằng vườn Địa Đàng Huế (xã Thủy Bằng, TP Huế) để hỏa táng.
Xá lợi của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây bảo tháp.
Chính khách thế giới tưởng nhớ thiền sư Thích Nhất Hạnh
Viết trên Twitter ngày 22-1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chia sẻ thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người ông kính trọng nhất. Nhà lãnh đạo kể bản thân đã cảm động ra sao trước các bài thuyết giảng của thiền sư.
"Tôi tìm thấy ở nhà sư tình yêu thương nhân loại trong từng điều ngài làm, hành trình khắp thế giới để phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình và quyền con người. Những bước chân, lời nói và lời dạy của ngài sẽ luôn sống trong lòng mọi người. Mong ngài an nghỉ", ông Moon Jae In bày tỏ.
Trong cùng ngày, đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam, bà Marie Damour, đã gửi lời chia buồn thông qua trang Facebook của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ.
"Những lời giảng của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hằng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ. Thay mặt phái đoàn Mỹ tại Việt Nam, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc trước sự viên tịch của thầy Thích Nhất Hạnh, thiền sư Phật giáo, nhà hoạt động vì hòa bình, nhà sáng lập đạo tràng Mai Thôn (Làng Mai)", nhà ngoại giao Mỹ chia sẻ.
Thượng nghị sĩ Mỹ Mazie Hirono viết lời chia buồn trên Twitter kèm theo bức ảnh gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Việt Nam năm 2019: "Vinh dự được gặp thầy Thích Nhất Hạnh ở Việt Nam năm 2019. Những lời dạy về lòng từ bi và chánh niệm của ngài sẽ tiếp tục soi sáng thế giới này. Thầy hãy an nghỉ".
Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie và đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen cũng đăng lời chia buồn trên mạng xã hội Twitter. Bà Wiesen đánh giá "sự thông tuệ và lời giảng của thiền sư về hòa bình và chánh niệm sẽ được lưu giữ mãi".
"Những lời dạy của ông về hòa bình, lòng biết ơn và tinh thần phi bạo lực sẽ là chân lý vĩnh hằng" - đại biểu Quốc hội Ấn Độ Rahul Gandhi, bí thư Đoàn thanh niên Đảng Quốc đại, đăng lời chia buồn sau khi biết tin thiền sư viên tịch.
PHÚC LONG
TTO - Vậy là thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi trọn con đường hành hương xuyên qua hai thế kỷ biến động của đất nước và nhân loại.
Xem thêm: mth.54622010042102202-hnah-tahn-hciht-us-neiht-neit-mi-gnal-iougn-gnah-gnut/nv.ertiout