vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp nhiệt điện kinh doanh "kém sáng"

2022-01-24 08:50

Dịch Covid-19 bùng phát trên khắp cả nước khiến nhu cầu phụ tải trên hệ thống giảm mạnh, giá thị trường điện toàn phần giảm. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng tại nhiều khu vực trên thế giới dẫn đến giá khí, giá than tăng cao, gây áp lực lên các doanh nghiệp nhiệt điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do nhu cầu điện tăng thấp vì ảnh hưởng của Covid-19, nên việc huy động các nhà máy nhiệt điện khí giảm, với sản lượng khí tiêu thụ năm 2021 là 4,67 tỷ m3, bằng gần 65,6% so với khả năng cấp.

So với doanh nghiệp thuỷ điện, doanh nghiệp nhiệt điện ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2021 có phần kém sáng hơn. Dù kinh doanh vẫn có lãi và vượt kế hoạch đề ra cho cả năm, tuy nhiên tất cả chỉ tiêu đều giảm so với năm 2020.

Theo đó, Nhiệt điện Hải Phòng (UpCOM: HND) công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 và lũy kế cả năm 2021 với kết quả đều sụt giảm so với cùng kỳ 2020. Riêng quý IV, doanh thu thuần đạt 2.218 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 260 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.

Theo giải trình từ phía Công ty, mặc dù sản lượng phát điện quý IV/2021 cao hơn cùng kỳ nhưng do giá điện, sản lượng điện hợp đồng quảng cáo giảm so với cùng kỳ dẫn đến doanh thu giảm.

Luỹ kế cả năm 2021, Nhiệt điện Hải Phòng có doanh thu thuần đạt 9.026 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 443 tỷ đồng, giảm tới 70% so với năm 2020. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Nhiệt điện Hải Phòng có doanh thu sụt giảm. Năm 2019, Công ty đạt doanh thu 11.301 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.173 tỷ đồng. Năm 2020 doanh thu đạt 10.900 tỷ đồng và lợi nhuận 1.469 tỷ đồng.

Năm 2021 Nhiệt điện Hải Phòng đặt mục tiêu đạt gần 8.979 tỷ đồng doanh thu và 210,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy dù kết quả kinh doanh giảm sút mạnh so với cùng kỳ, nhưng kết thúc năm 2021 công ty cũng đã hoàn thành vượt 5% kế hoạch doanh thu và vượt tới 122% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Tại ngày 31/12/2021, Nhiệt điện Hải Phòng có tiền và tương đương tiền đạt 568 tỷ đồng, giảm 38,5% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn 1.766 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Nợ phải trả là 2.475 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.327 tỷ đồng và nợ dài hạn 1.148 tỷ đồng. 

Nhiệt điện Hải Phòng hiện đang vận hành 2 nhà máy nhiệt điện chạy than là Nhiệt điện Hải Phòng 1 và Nhiệt điện Hải Phòng 2.

Năm 2021 cũng là năm mà Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) ghi nhận doanh thu, lợi nhuận quý IV và cả năm 2021 đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, riêng quý IV, doanh thu thuần đạt 538 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Nhiệt điện Phả Lại lỗ gộp gần 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt 556 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp Nhiệt điện Phả Lại kinh doanh dưới giá vốn.

Nhờ 94 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính và 18,6 tỷ đồng lãi khác, kết quả Công ty lãi sau thuế gần 64 tỷ đồng, giảm 87% so với quý IV/2020.

Theo giải trình, trong quý IV/2021 Công ty dừng tổ máy 5 để đại tu sửa chữa 75 ngày và hệ thống huy động thấp, do vậy, sản lượng điện sản xuất quý IV/2021 thấp, chỉ bằng 36% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có nhiều thời điểm dây chuyền 1 của Công ty chỉ vận hành 1 tổ máy do vậy dẫn đến suất chi phí (chi phí nguyên liệu) cao hơn so với cùng kỳ và làm giảm lợi nhuận.

Lũy kế cả năm 2021, Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận doanh thu đạt 3.885 tỷ đồng giảm 51% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 287 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 1.011 tỷ đồng năm 2020 - Đây cũng là con số lãi thấp nhất trong kể từ năm 2011 của Nhiệt điện Phả Lại. Với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp chỉ chỉ hoàn thành được 69% chỉ tiêu doanh thu và 71% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tương tự, Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCOM: QTP) có doanh thu quý IV/2021 đạt 2.217 tỷ đồng, giảm 9,1% so với quý cùng kỳ. Chi phí vốn lên đến 2.068 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 149 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 1.595 tỷ đồng ghi nhận trong quý IV/2020.

Giải trình về chênh lệch này Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết trong quý IV/2021 sản lượng điện thương phẩm đã tăng 75,4% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời công ty đã thực hiện tốt công tác quản trị chi phí, chào giá bán điện đạt hiệu quả, suất hao nhiệt tiếp tục được kiểm soát nên Công ty lãi gộp hơn 149 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 80,4 tỷ đồng - giảm sâu so với số lãi sau thuế hơn 1.345 tỷ đồng ghi nhận trong quý IV/2020.

Lũy kế cả năm 2021, Nhiệt điện Quảng Ninh có doanh thu đạt 8.455 tỷ đồng, giảm 7,9% so với doanh thu đạt được năm 2020; lãi sau thuế gần 477 tỷ đồng, giảm 63,4% so với số lãi 1.305 tỷ đồng đạt được năm 2020.  Năm 2021 Nhiệt điện Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt 316 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả trên giúp Công ty vượt 50% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) có doanh thu thuần quý IV/2021 đạt 1.634 tỷ đồng, tăng 22% so với quý cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 121 tỷ đồng, giảm 1 nửa so với quý IV/2020.

Theo giải trình, phía Công ty cho biết, trong quý IV/2021, mặc dù một số chỉ tiêu hoạt động của Công ty hiệu quả hơn so với quý IV/2020, nhưng do giá vốn bán hàng tăng 41,8%, chủ yếu là do tăng chi phí nguyên liệu khí đầu vào dẫn đến lợi nhuận sau thuế sụt giảm.

Luỹ kế cả năm 2021, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 đạt 6.149 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận sau thuế gần 534 tỷ đồng, giảm 15% so với kết quả năm 2020.

Năm 2021, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 7.713 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế “khiêm tốn” ở mức 462 tỷ đồng. Với kết quả trên, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và vượt 15% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Công ty cũng hoàn thành chi trả 20% cổ tức năm 2020 với giá trị 576 tỷ đồng và đảm bảo t lệ chia cổ tức 15% cho năm 2021.

Ở chiều ngược lại, Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE: BTP) lại có kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021 có phần tích cực hơn.

Riêng quý IV, doanh thu thuần đạt 493 tỷ đồng, gấp 3,3 lần; Lợi nhuận sau thuế 85 tỷ đồng, gấp 9,5 lần so với quý IV/2020.

Phía doanh nghiệp cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý IV tăng mạnh nhờ giá nhiên liệu khí bình quân trong tháng tăng cao. Bên cạnh đó, công ty báo lãi là do lãi từ sản xuất điện là 68,75 tỷ đồng, nhờ nhu cầu huy động của hệ thống, sản lượng điện sản xuất  trong quý đạt 211,73 triệu kWh, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế năm 2021, Nhiệt điện Bà Rịa ghi nhận doanh thu thuần 1.213 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với kết quả năm 2020, hoàn thành 76% kế hoạch (1.589 tỷ đồng); Lợi nhuận sau thuế đạt 127 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với 2020, vượt 20% kế hoạch đặt ra cho cả năm (106 tỷ đồng).

Trong báo cáo triển vọng ngành điện năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ điện năm 2022 tăng 9% so với cùng kỳ với kịch bản GDP tăng 6,5%.

Tuy nhiên, SSI cho rằng, sẽ có sự khác biệt về tăng trưởng giữa nhóm công ty điện than và khí. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận nhóm điện than sẽ tốt hơn còn điện khí đi ngang trong 2022 do giá khí bán của các công ty này có thể tăng 4% trong năm nay.

Giá than nhiệt trong nước có khả năng sẽ tăng trong năm 2022 khi huy động sản lượng điện than tăng. Nếu giá than tăng 20%, giá bán của nhóm công ty điện than vẫn thấp hơn khoảng 30% so với giá bán của khí. Nên khi tiêu thụ điện hồi phục trong năm nay, sản lượng của nhóm công ty điện than sẽ tăng trưởng tốt hơn nhóm điện khí.

Còn VCBS nhận định rằng, năm 2021 nhiệt điện khí sẽ tiếp tục bị cạnh tranh mạnh bởi các nguồn điện mới như năng lượng tái tạo. Còn nhiệt điện than gặp khó khi các tổ chức quốc tế không còn hỗ trợ vay vốn nhưng vẫn được quy hoạch trong Quy hoạch điện VII với một tỉ lệ nhất định.

Bên cạnh đó, cam kết của Việt Nam tại COP26 sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh tay vào nhiệt điện LNG và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Xem thêm: lmth.230145a-gnas-mek-hnaod-hnik-neid-teihn-peihgn-hnaod/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp nhiệt điện kinh doanh "kém sáng"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools