Hậu trao quà cho anh Vũ, những lời động viên của Hậu đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Vũ vượt qua bệnh tật - Ảnh: H.Đ.
Mỗi ngày, Quảng Đình Hậu (30 tuổi, làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) vẫn lang thang trên chiếc xe tự chế. Có khi anh rong ruổi vào tận Phú Yên, hay ra tới Quảng Nam để "đi xin" của người này rồi mang cho người khác khó khăn.
Tôi xin của người giàu chia cho người nghèo.
QUẢNG ĐÌNH HẬU
Hình trình yêu thương
Người dân ở TP Quảng Ngãi đã quen với hình ảnh của Hậu, hầu như ai cũng biết chàng trai này bởi vẻ ngoài "thu hút". Hình ảnh Hậu bất ngờ dừng xe bên vệ đường cột lại mái che của chiếc xe bị bung ra vì gió. Hay anh bước vào quán cà phê với thùng xin tiền để hỗ trợ cho người khác. Dĩ nhiên, chẳng mấy ai từ chối Hậu. Anh Duy, người dân TP Quảng Ngãi, chia sẻ rằng lúc nào gặp Hậu, anh cũng giúi vài chục nghìn và chúc Hậu làm thêm những việc tốt.
"Hậu như cầu nối vậy đó, xin của mình rồi cũng mang đi cho người khó khăn, bệnh tật. Thật tình phải cảm ơn Hậu, vì nhờ có anh ấy mà tôi được giúp đỡ thêm hoàn cảnh nào đó khó khăn mà mình không biết", anh Duy nói.
Có lần, chúng tôi bắt gặp Hậu ghé quán cơm gần Nhà văn hóa Lao động tỉnh Quảng Ngãi, anh đưa một bao nilông có rất nhiều tiền lẻ ra khoe "Í... ữa... i... oa... ừ... èo" (tí nữa đi cho người nghèo). Hậu lặp lại thêm một lần nữa như sợ người đối diện không hiểu mình nói gì. Những người có mặt trong quán cơm nhìn Hậu cười và không quên bỏ thêm vào bọc nilông chút tiền. Hậu ngước lên cười và nói lời cảm ơn những người vừa cho mình. Lời nói khó nhọc nhưng vẫn truyền tải hết lòng tốt của một con người.
Hậu sinh ra ở làng Tư Cung, nơi xảy ra vụ thảm sát 504 thường dân vô tội trong chiến tranh. Anh khuyết tật từ khi còn trong bụng mẹ và chào đời với hình hài "chẳng giống ai". Mà cuộc đời anh cũng lắm đắng đót. Nhà có hai anh em, Hậu là con đầu đã khuyết tật lại hứng thêm sóng gió khi cha mẹ ly hôn. Gia đình lâm cảnh chia lìa, em gái theo mẹ vào sinh sống ở TP.HCM. Hậu ở với cha, rồi cha Hậu đi bước nữa, Hậu sống với bà nội, mỗi ngày đi bán vé số, đi xin kiếm cơm. Bà nội yếu và được con dẫn về nuôi. Từ đó, Hậu ở một mình tự lo cho cuộc sống.
Những dông gió cứ đến, còn Hậu vẫn đứng vững bởi anh chọn cách sống biết yêu thương. Mỗi ngày, chiếc xe tự chế đưa anh đi khắp TP Quảng Ngãi để bán vé số, nhiều người thương Hậu và giúi cho anh vài đồng động viên. Anh không từ chối, bởi anh chẳng dùng tiền đó cho bản thân mình mà tích cóp thành một số tiền mà anh gọi là "quỹ hỗ trợ", biết hoàn cảnh nào khó khăn dù ở đầu tỉnh hay cuối tỉnh anh đều tìm đến tận nơi trao quà. Những phần quà không quá lớn về vật chất nhưng đong đầy tình người.
"Tôi cho người khó khăn, cũng như người giàu thấy tôi khó thì dừng xe lại cho tiền tôi vậy", Hậu ngọng nghịu chia sẻ.
Trong mắt nhiều người, Hậu là chàng trai ngờ nghệch và tàn tật. Nhưng nếu chịu ngồi nghe Hậu nói sẽ xóa bỏ ngay suy nghĩ ấy. Hậu luôn khiến người khác bất ngờ, khi đôi tay co quắp ấy có thể sử dụng điện thoại thông minh, đọc thông tin mỗi ngày. Hóa ra, bề ngoài của Hậu đã bị tạo hóa cướp đi vẻ bình thường vốn dĩ nhưng vẫn giữ nguyên vẹn khối óc thông minh và trái tim biết yêu thương.
Hậu cho xem điện thoại, bên trong là hình ảnh, video những chuyến đi trao quà, thường là gạo, mắm, dầu ăn, mì gói... Đó đều là những mảnh đời Hậu nghĩ đang khổ hơn mình và cần được giúp đỡ. "Sống phải có mục đích gì đó, tôi sống vầy và thấy vui vì mình được giúp người khác và không thấy mình quá khổ. Tôi vẫn đi được nơi này nơi kia, hơn những người nằm một chỗ ăn uống phải nhờ người khác", Hậu trải lòng. Thật sự, những chia sẻ ấy chạm sâu vào trong tim người nghe, cảm thức sống tử tế, sống sẻ chia Hậu có thể trao truyền cho bất kỳ ai từ chính việc làm mỗi ngày của mình.
Hậu mang thùng “Mua rau hỗ trợ cho Sài Gòn, bà con có cái gì cho cái đó” quyên góp hỗ trợ người dân TP.HCM những ngày dịch bùng phát - Ảnh: TRẦN MAI
Sứ mệnh và cảm hứng sống
Có lẽ trong bài viết này, chúng tôi sẽ để phần chia sẻ của mọi người dành cho Hậu, đó như một lời khẳng định Hậu không khuyết tật, khù khờ như một số người vẫn thường nghĩ. Trái lại Hậu có một trái tim dũng cảm và tử tế. Ông Bùi Đức Thọ, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, bảo rằng Hậu có một cuộc đời buồn và một cuộc sống khó khăn. Nhưng chẳng khi nào dựa vào điều ấy để tìm kiếm lòng thương từ mọi người. Chàng trai ấy rất tốt, tốt đến không ngờ.
"Hậu chẳng bận tâm những thị phi, đôi khi là lời cay nghiệt "thằng khù khờ" mà ai đó phát ra khi thấy Hậu đi vận động các nhà hảo tâm để giúp người nghèo, hỗ trợ người dân khó khăn vì COVID-19. Điều đó thật đáng quý, khâm phục. Hậu là một tấm gương về lòng nhân ái", ông Thọ nói.
Đâu chỉ sẻ chia khó nhọc, Hậu còn mang thêm một sứ mệnh khác, đó là khiến những phận đời tưởng chừng như rơi vào tận cùng đau khổ cũng cố gắng bước qua số mệnh của mình. Như anh Võ Văn Vũ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) chẳng may bị bệnh tủy sống rồi nằm liệt giường nhiều năm, không chỉ anh mà còn hai người thân nữa cũng nằm liệt giường, mọi sinh hoạt dựa hết vào người em gái. Cuộc sống bế tắc, anh Vũ nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả.
Nhưng rồi Hậu đến, mang yêu thương, anh Vũ như thấy được ánh sáng của đời mình và cố gắng vượt qua. Anh Vũ kể lần đầu tiên Hậu đến nhà là lúc trời đang mưa, trên tay Hậu là túi quà với gạo, dầu ăn, bột ngọt. Hậu trao quà và ôm động viên anh Vũ cố gắng lên. Đó là liều thuốc chữa lành đối với anh Vũ.
"Nhìn Hậu, tôi thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, sau cuộc gặp đó và nhiều cuộc gặp Hậu sau này tôi đã cố gắng mỗi ngày. Bây giờ tôi có thể đứng lên, đi lại được. Tôi biết ơn Hậu, em ấy đã cho tôi sự kiên cường", anh Vũ tâm sự.
Những cảm hứng như bất tận, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Quảng Ngãi giữa năm 2021, Hậu đã có hành trình đầy cảm hứng, và điều ấy rõ ràng qua bài viết trên Facebook cá nhân của thiếu tá Hồ Hoàng An (Công an TP Quảng Ngãi): "Chính xác là 11 giờ 11 phút, ngày 7-7-2021, gặp em ở chốt đảm bảo an ninh trật tự tại ngã 5 cũ, TP Quảng Ngãi. Em mang món quà với đầy tình nghĩa hỗ trợ cho các anh thực hiện tại chốt. Ban đầu, các anh không nhận, nói em giữ mà dùng, nhưng em nhất quyết gửi các anh thực hiện nhiệm vụ. Vậy là các anh phải nhận với lòng trân trọng và quý mến tình cảm của em. Một lần nữa, cảm ơn em. Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn".
Những ngày mà lực lượng chống dịch thức suốt đêm ngày chiến đấu vì sự bình yên của người dân, sự xuất hiện của Hậu đã xua đi mệt nhọc, tiếp thêm tinh thần cho biết bao con người nơi tuyến đầu. "Em ấy khuyết tật mà làm được việc nhân ái, nghĩa cử và sẻ chia như vậy thật sự chúng tôi rất xúc động", thiếu tá An trải lòng.
Những ngày căng thẳng đã trôi qua, Hậu cũng có cho mình hành trình ý nghĩa, chiếc xe trang trí màu mè của Hậu những ngày đó dán lên nhiều dòng chữ tuyên truyền phòng chống dịch, kêu gọi vận động hỗ trợ giúp bà con khó khăn ở TP.HCM. Hậu đi đến ruộng rau, chợ đầu mối, các khu chợ nhỏ để xin rau, củ, quả và cả tiền mặt. Rồi Hậu chở đến các khu cách ly, chốt trực và điểm tập kết hàng hóa gửi vào TP.HCM tặng bà con.
Ông Nguyễn Thanh Thống, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bình Sơn, kể: "Hôm Hậu ghé vào đơn vị chở theo 10 thùng mì gói, em bảo đóng góp để hỗ trợ cho người dân. Thật sự rất xúc động. Đợt rồi khi hỗ trợ người dân về quê, em ấy cũng ra tận điểm cấp phát quà của các nhóm thiện nguyện ở huyện Bình Sơn trao quà. Chàng trai ấy có trái tim lành lặn".
Vậy đấy, sự lành lặn của một con người đôi khi không phải ở bề ngoài. Tất cả chứa đựng ở phía tâm hồn, nơi lòng tốt cất lên tiếng nói tròn trịa nhất...
TTO - Thảnh vẽ ước mơ là tên một cuộc triển lãm đặc biệt vừa diễn ra tại phòng tranh Art Gallery Sông Như (TP Huế).
Xem thêm: mth.29562048042102202-neyugn-tat-gnohk-mit-iart/nv.ertiout