Theo nhiều phân tích, vùng hỗ trợ dài hạn của VN-Index là 1.420 - 1.430 điểm, bởi rất nhiều lần chỉ số giảm về vùng đó và bật tăng trở lại. Dù thanh khoản càng cận Tết Nguyên đán lại càng có xu hướng giảm, song đà giảm này dường như chỉ tác động bởi kỳ nghỉ dài chứ không xuất phát từ vấn đề nội tại của thị trường, đặc biệt khi chứng khoán Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong năm 2022.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước chạy đà rất tốt trong năm 2021, VN-Index lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới, cùng mức thanh khoản trung bình tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ.
Trước những bước đi khá "lập bập" đầu năm nay, giới đầu tư đang nghi ngại về khả năng điều chỉnh của thị trường trong tuần giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên về tổng thể thị trường lại đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước chạy đà rất tốt trong năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm khá tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán, dự báo VN-Index có thể hướng tới vùng 1.700 - 1.750 điểm nhờ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì ở mức cao, cũng như định giá thị trường ở mức 16 - 16,5 lần P/E, tương đương mức bình quân trong 3 năm qua", ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế Vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, cho biết.
"Tôi cho rằng thị trường sẽ đi lên một cách chậm rãi về điểm số, tuy nhiên sẽ có những thời điểm bùng nổ luân phiên của các nhóm ngành khác nhau. Thanh khoản của thị trường trong tương lai có thể tiếp tục bùng nổ. Cá nhân tôi hy vọng chúng ta sẽ được chứng kiến những phiên giao dịch trên sàn TP Hồ Chí Minh từ 2 - 2,5 tỷ USD trong năm nay", ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công Ty Cổ Phần Phát Triển Vốn Và Đầu Tư LCTV, đánh giá.
Cũng theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, mức tăng trưởng lợi nhuận (EPS) của các doanh nghiệp trên sàn HOSE có thể duy trì ở mức khoảng 23% trong năm nay. Trong đó, một số ngành dự kiến tăng trưởng mạnh là: hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, bán lẻ, hay bất động sản.
"Về cơ bản tôi thấy đà phát triển tương đối tích cực, tất nhiên là đâu đó có những thời điểm, một số phân khúc, doanh nghiệp có hiện tượng phát triển hơi nóng. Về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán cũng đã có những động thái kịp thời và cần thiết để chấn chỉnh và giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, dòng vốn cho vay margin tại các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, những biện pháp vốn luôn được áp dụng trong vài năm trở lại đây vẫn đang phát huy hiệu quả kịp thời, vừa có dòng vốn cho thị trường phát triển và vẫn kiểm soát được rủi ro.
VTV.vn - Lịch sử luôn lặp lại, việc chúng ta quên nhanh không phải là điều tốt trong hoạt động đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.57104131142102202-on-gnub-cut-peit-2202-man-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv