Lim Kok Thay mở công ty kinh doanh thuyền du lịch và du thuyền kiêm sòng bài vào thập niên 90 tại Hong Kong, biến nó thành một trong những hãng điều hành du thuyền lớn nhất châu Á. Đây là công việc phục vụ sở thích của ông, và cũng là cách đa dạng hóa kinh doanh cho sòng bài mà cha ông – Lim Goh Tong – thành lập tại Malaysia. Dưới sự điều hành của Kok Thay, hiện đã 70 tuổi, Genting Hong Kong mở rộng số thuyền, mua thêm các hãng khác và thậm chí mua các hãng đóng tàu Đức để làm du thuyền cho công ty.
Nhưng hiện tại, sau hơn 2 năm vật lộn trong đại dịch, công ty của Kok Thay sắp phải ngừng kinh doanh. Genting Hong Kong tuần trước đã gửi đi thông báo ngừng hoạt động. Đây là một trong những vụ sụp đổ trong ngành du thuyền lớn nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện, và cũng là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy đại dịch có thể hạ gục một ngành đang rất thịnh vượng như thế nào.
"Tôi rất buồn khi nghe tin này", Chloe Then Sheau Nyuk – người từng đi du thuyền của Genting Hong Kong cho biết. Bà nói rằng một trng những điều thích thú nhất là thức dậy cùng chồng lúc 6h sáng để xem mặt trời mọc trên boong tàu.
Trong thông báo nộp lên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, Genting cũng cho biết Kok Thay đã từ chức chủ tịch kiêm CEO công ty này, từ ngày 21/1.
Ông thành lập công ty này năm 1993 với tên Star Cruises, sau đó mua lại tàu du lịch từ các công ty du thuyền phá sản để vận hành. Đội tàu đầu tiên của họ đều là tàu cũ. Phải đến khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 90, họ mới bắt đầu mua tàu mới.
Những năm sau đó, Genting Hong Kong dần mở rộng hoạt động bằng cách mua lại các hãng du thuyền khác. Từ năm 2015, họ thậm chí thâu tóm vài hãng đóng tàu Đức để tự đóng du thuyền cho mình.
Tuy nhiên, đại dịch buộc các hãng du thuyền ngừng hoạt động. Kỳ vọng của Kok Thay vào triển vọng dài hạn của ngành này và nhu cầu tại châu Á tăng cao bắt đầu lung lay. Dù đưa ra dịch vụ "nghỉ dưỡng trên biển", đi theo xu hướng du thuyền không dịch chuyển, công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 1,7 tỷ USD hồi tháng 5.
Rồi đến đầu tháng này, công ty đóng tàu của họ - MV Werften – thông báo mất khả năng thanh toán tại một tòa án ở Đức. Tuần trước, Genting Hong Kong (hiện do Kok Thay sở hữu 76%) – thông báo ngừng hoạt động và chỉ định người phụ trách quá trình thanh lý. Họ cho biết tiền mặt có thể cạn kiệt trong tháng này và chưa tiếp cận được nguồn vốn nào khác.
Thông báo gửi lên sàn Hong Kong của Genting cho biết họ không thể đàm phán được với các chủ nợ và bên liên quan. Cổ phiếu hãng này đã giảm hơn 60% từ đỉnh tháng 11 trước khi bị ngừng giao dịch ngày 18/1.
Peninsula Petroleum Far East đã nộp đơn kiện tại Mỹ để đòi 4,6 triệu USD tiền nhiên liệu đã giao cho Genting từ năm 2017 mà chưa được thanh toán. J. Stephen Simms – luật sư đại diện cho Peninsula Petroleum Far East cho biết du thuyền siêu sang Crystal Symphony của Genting Hong Kong sẽ bị giữ lại nếu cập cảng Miami như lịch trình. Dù vậy, cuối tuần trước, tàu này đỗ tại Bahamas – ngoài tầm với của lệnh tạm giữ.
Khó khăn của Genting Hong Kong cho thấy hệ quả của việc tập trung vào thị trường châu Á, nơi các thị trường lớn như Trung Quốc hay Hong Kong vẫn đóng cửa, theo đuổi chiến lược Zero Covid. Các hãng điều hành du thuyền khác, như Carnival và Royal Caribbean Cruises, đang phục hồi khi các thị trường như châu Mỹ và châu Âu hiện "sống chung với Covid".
Dù mảng du thuyền gặp khó, đây cũng chỉ là một mảng trong đế chế kinh doanh mà cha Kok Thay đã lập ra. Từ một resort kiêm casino tại Malaysia, Kok Thay và cha đã mở rộng ra quốc tế, biến Genting Hong Kong thành một trong những tập đoàn giải trí – sòng bài lớn nhất thế giới. Hiện tại, Genting điều hành các resort casino ở Anh, Singapore và Mỹ.
Lim Goh Tong sinh ra tại Trung Quốc, sau đó chuyển đến Malaysia. Ông qua đời năm 2007 vì bệnh tật. Tuy nhiên, từ 4 năm trước đó, Kok Thay đã tiếp quản công ty thay cha. Theo Forbes, Kok Thay hiện sở hữu 2,3 tỷ USD.
Câu hỏi hiện tại là liệu Kok Thay có cố giải cứu Genting Hong Kong với sự trợ giúp từ các công ty khác cùng tập đoàn hay không? Hơn 2 thập kỷ trước, Genting Malaysia từng đổ tiền vào Genting Hong Kong. Năm 2016, họ bán 17% cổ phần tại đây với giá 415 triệu USD.
Dù vậy, giới phân tích cho biết Genting Hong Kong sẽ không làm lung lay tham vọng của Kok Thay với Genting Group. Genting Malaysia chuẩn bị mở một công viên mô phỏng mới trị giá 800 triệu USD tại nước này. Genting Singapore cũng sẽ chi 3,3 tỷ USD mở rộng Resorts World Sentosa – một trong những resort casino lớn nhất Đông Nam Á.
Không công ty nào có sở hữu chéo với Genting Hong Kong. Trong khi đó, Kok Thay nắm cổ phần tại cả 3 công ty.
Jaime Katz – nhà phân tích cổ phần cấp cao tại Morningstar cho biết rắc rối của Genting Hong Kong có thể có lợi cho các đối thủ tập trung vào thị trường châu Á. Tuy nhiên, Rick Munarriz – nhà phân tích tại Motley Fool dự báo sẽ có nhiều hãng du thuyền có kết cục như Genting Hong Kong. "Họ sẽ không phải là hãng du thuyền cuối cùng hết tiền đâu. Các chủ nợ và các bên liên quan sẽ không muốn đầu tư thêm sau những sự việc như thế này", ông nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)