Một góc mùi già
Chiếc xe đạp ngược gió bấc đến đâu, liền cất lên tiếng rao: "Ai mua mùi ra mua!" kèm theo một mùi thơm rất Tết: Mùi của cây mùi già.
Những hương thơm rất Tết
Cái Tết Nguyên đán vốn đẹp đẽ, nhất là trong ký ức của những người bắt đầu chớm có tuổi hoặc thích đắm chìm trong hoài niệm. Vẻ đẹp của Tết không chỉ ở sự sung túc "no 3 ngày Tết" hay sự ấm cúng của hội đoàn viên. Nó cũng không chỉ ở màu sắc tươi tắn, muôn hồng nghìn tía, mà còn ở hương thơm rất Tết.
Mùi khói pháo, mùi hạt tiêu sọ bám quanh miếng thịt làm nhân bánh chưng, mùi đường sên làm mứt, và đặc biệt là mùi nước mùi già đun để tắm tất niên. Thứ mùi ấy thật Tết, nó bám lấy từng lỗ chân lông trên khắp cơ thể để nhẹ nhàng thanh tẩy, bơm mùi hương vào mỗi tế bào, đem lại sự tươi mới.
Không hiểu người Việt có tục tắm nước lá mùi từ bao giờ, nhưng chắc chắn là rất xa xưa rồi.
Có thể, khi người Việt gói chiếc bánh chưng đầu tiên cùng chàng Lang Liêu thì đã biết tắm lá mùi "tất niên" rồi. Chẳng phải, những nồi nước đun cây mùi già đều đặt ké bên bếp luộc bánh chưng hay sao.
Cây mùi, một thứ thực vật thuần Việt rất dân dã và gần gũi. Tuy có nhiều tên như ngò, ngò rí, ngổ thơm, nguyên tuy, hương tuy… nhưng chẳng có cái tên nào thân thuộc và đúng như cái tên Mùi nhất. Mùi là mùi thơm, rất thơm nên tên là mùi cho dù là rau mùi xanh non hay cây mùi xanh già.
Lúc còn non, mùi là thứ rau thơm đặc trưng vào mùa đông, không thể thiếu trong món rau sống hay khi ăn chả rươi, thịt đông, giò thủ, bánh cuốn nóng hay các món xào nóng hổi mùa lạnh. Càng già, lá và thân trở nên cứng, không thể ăn được nhưng lại tích trữ một thứ giá trị khác là tinh dầu thơm.
Mùi thơm của cây mùi già rất diệu kỳ. Chỉ một mẹt mùi già đạp chậm rãi thôi, cũng đủ làm thơm cả con phố, lưu hương lại rất lâu, mỗi khi có gió là lại thấy sực lên cái mùi thơm đặc trưng của mùi. Mùi già thoạt nhìn không hấp dẫn như mùi non, bởi nó không khiến ta có cảm giác phải bỏ một cọng vào mồm nhai ngay, nhưng sự quyến rũ lại nằm ở vẻ khác.
Cây mùi già dáng thanh mảnh, lá không to bản như lá chua me nữa mà nhọn lại hình kim. Thân mùi già to cỡ que hương và phát triển chiều cao đến tầm gần nửa mét, trên thân lúc lỉu cụm quả tròn xoe, to cỡ hạt tiêu sọ, đầu ngọn trổ hoa dạng tán.
Nhìn một cây mùi già tổng thể từ rễ đến hoa và quả, phần nào cũng chứa tinh dầu thơm phức. Thế nên nếu dùng để đun nước tắm hay xông nhà, người ta thường đập cho hết đất ở rễ rồi rửa sạch, sau đó đem đun toàn bộ cho đỡ phí phạm.
Những tán hoa mùi có một vẻ đẹp quyến rũ chắc khác gì oải hương của nước Pháp. Những tán hoa trắng nhạt, đôi khi phớt hồng hay phớt tím, bé tin hin như một vảy cá diếc nhưng lại ẩn chứa một mùi hương dai dẳng, bền bỉ, lúc ngát lên thành quầng, lúc lại thoang thoảng như một thoáng nghi ngờ.
Mua mùi về cắm
Trước đây, chỉ những ngày sát Tết thì người ta mới đi bán mùi già bởi chỉ có một mục đích sử dụng là đun nước tắm tất niên vào ngày 30 tháng chạp. Nhưng giờ, người ta lại mê đắm vẻ đẹp của hoa mùi, của cành mùi già, vừa thanh cảnh, mộc mạc, lại đem đến hương thơm xua tan cái giá lạnh nên thường mua về để cắm.
Thú cắm mùi già xem ra đem lại nhiều tiện ích. Chỉ cần 20.000 - 30.000 đồng thôi đã có một bó mùi nhiều hoa lắm quả xanh mướt để cắm rồi.
Mùi cắm không cần nước để được rất lâu, có khi đến 2 tuần mà vẫn đẹp, vẫn tỏa hương miệt mài. Đến khi mùi già khô quắt đi, lại đem đun nước để xông tinh dầu cho phòng thơm ấm. Hiếm có thứ hoa nào lại hữu dụng như thế.
Chính vì vậy, những chiếc xe chở mùi già trên phố xuất hiện rất sớm. Có khi từ đầu tháng chạp đã thấy đi bán rồi, và tiếng rao "Ai mua mùi ra mua?" khiến cho tâm trạng bỗng trở nên cực kỳ nôn nao vì biết Tết đã sắp đến rồi. Cũng bởi đó là một phản xạ vô điều kiện khi ta ngửi thấy mùi của Tết.
Phản xạ đó hình thành từ tục tắm nước mùi vào ngày cuối cùng của năm cũ. Cái ngày 30 tháng chạp ấy thật ngắn bởi người ta có trăm công nghìn việc để làm nhằm chuẩn bị cho cái Tết thật tươm tất. Nhưng dù bận thế nào thì cũng phải đi cắt tóc (với cánh đàn ông) và tắm nước mùi già.
Tôi không hiểu sao cứ phải để đến ngày 30 mới đi cắt tóc. Nhớ ngày xưa, phải dậy từ 4-5 giờ sáng để kéo đến một tiệm cắt tóc quen, cắt "quả đầu mới" ăn Tết. Đi sớm như thế nhưng vẫn phải xếp hàng vì có người còn đi sớm hơn hoặc "đặt gạch" từ hôm trước. Kể ra đấy cũng là cái thú đáng nhớ.
Khi cắt tóc xong, về đến nhà đã thấy nồi nước đun mùi già to đùng đang bốc hơi nghi ngút. Tôi nhớ, mẹ tôi thường mua mùi già vào ngày 28 hay 29 tháng chạp cho đỡ quên, sau đó rửa rễ rồi treo cho ráo nước. Đến mờ sáng ngày 30 thì cho vào nồi nhôm to để đun một nồi nước tắm cho cả gia đình.
Cái nồi nước tắm đó sau khi đun sôi thường đặt cạnh bếp củi luộc bánh chưng để giữ luôn nóng từ sáng đến tối. Ngày Tết, ai cũng bận nên rảnh lúc nào thì tắm lúc đó nên phải sẵn nước mùi già để tắm. Hễ thấy nhạt mùi, rút nước lại lập tức tiếp thêm mùi già và nước vào nồi. Cứ thế cho đến khi người cuối cùng trong gia đình tắm tất niên, và đó thường là mẹ.
Múc một chậu nước mùi to, bê vào phòng tắm cho đỡ gió máy, rồi ngâm mình trong làn nước thơm ngát đó, khoan khoái hưởng cảm giác hương mùi thẩm thấu vào trong cơ thể và tâm hồn mình. Mùi hương đó thấm đến đâu, nghe thấy sự tái sinh bật lên rạo rực.
Vuốt tay xoa nhẹ, thấy nước mùi nóng tẩy đi từng mảng tế bào da chết, để lộ vẻ mịn màng, sạch sẽ, thơm tho. Sau khi tắm gội xong, cơ thể nhẹ nhàng lâng lâng, sung sướng vô cùng. Người bỗng như hóa thành tiên, chỉ cần giơ cánh tay lên là thấy hương thơm tỏa ra từ tay mình và khuếch tán.
Mùi thơm đó lưu lại rất lâu từng sợi tóc, từ sợi lông tơ như thể có neo móc bám chặt vào cơ thể vậy. Ở cảm xúc đó, chúng ta mới thấu hiểu ý nghĩa của tục tắm tất niên bằng nước mùi già và biết nỗi bứt rứt chưa tắm nước mùi già là chưa thể đón Tết.
Và những ký ức cộng đồng
Mỗi con con, mỗi linh hồn là một bàn thờ dâng hiến tổ tiên, thần linh vào dịp Tết, vậy thì phải dọn rửa cho bàn thờ đó thật. Tôi không hiểu người ta dọn tâm hồn thế nào nhưng tôi biết chỉ cần tắm bằng nước mùi già, ngâm mình trong thứ cam lồ đó, cả thân và tâm đều được thanh tẩy sạch sẽ, vô nhiễm và sẵn sàng.
Thế giới có tiến hóa văn minh như thế nào chăng nữa, cái Tết cổ truyền có chuyển đổi từ ăn Tết thành chơi Tết hay đơn giản hóa thế nào đi chăng nữa, người Việt vẫn cứ đun nước mùi già để tắm cho dù phòng tắm nóng lạnh đầy đủ, bồn tắm sang trọng với muôn thứ sữa tắm, dầu gội xa hoa…
Bởi không một thứ hương thơm cầu kỳ, phức tạp nào có thể thay thế loại thảo mộc mọc hồn hậu ở đồng ruộng, dùng cả cuộc đời mình của mình từ lúc tươi trẻ đến lúc già để cống hiến mùi hương cho con người. Việc đun nước mùi có thể nhiêu khê, không tiện lợi bằng việc bật bình nước nóng nhưng nó là một tập tục mang tính nghi lễ, đã được ghi chép trong ký ức cộng đồng.
Có thể, những thế hệ tương lai sẽ không thể hiểu nổi sự thảng thốt của bố mẹ, ông bà mình khi chưa mua một bó mùi già để đun nước tắm hay chưa được tắm tất niên bằng nước mùi già. Họ cũng sẽ ngạc nhiên khi thấy "cánh già" hỏi nhau đã tắm chưa hay giục nhau đi tắm kẻo sắp giao thừa rồi.
Ký ức cộng đồng về nồi nước mùi già được hình thành rõ rệt quanh mùi hương đó. Nồi nước mùi già trở thành một biểu trưng gắn kết các thành viên trong gia đình, và tạo thành kỷ niệm, hoài niệm mà cứ ngửi thấy mùi hương đó là phải nhớ đến Tết, đến gia đình, đến tục lệ truyền đời.
Chính những mảnh ghép đó đã khiến một tiếng rao "Ai mua mùi ra mua" làm chênh chao cả con phố. Tiếng rao mời mua mùi già và mùi hương của mùi già như chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào miền nhớ.
Mẹ giờ đã già làm sao nấu được nồi nước mùi già to đây? Ông bà giờ đã khuất, không biết liệu có tắm nước mùi trước khi bay về dương thế ăn Tết cùng con cháu? Nồi nước mùi ngày xưa giờ đã vắng rất nhiều người, hỏi sao không thấy bâng khuâng.
Ai mua mùi ra mua!
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Những ngày cuối tháng chạp trời không còn mưa, nắng vàng ấm nên những cơn gió heo may se se lạnh chỉ là cái cớ để các bà các cô quàng thêm chiếc khăn mỏng màu sắc để làm duyên. Những ngày này tự nhiên thấy buồn và nhớ...
Xem thêm: mth.11630554142102202-aum-ar-ium-aum-ia/nv.ertiout