Vài tuần trước khi những vận động viên trượt ván giỏi nhất đổ bộ xuống Trương Gia Khẩu, Trung Quốc, hàng chục cỗ máy điên cuồng nhả tuyết để phủ đầy những ngọn núi cho cuộc thi.
Các con dốc nhanh chóng nhuốm màu trắng, nhưng những cỗ máy chưa dừng lại. Âm thanh chói tai tiếp tục phát ra trong nhiều giờ để hoàn thành phông nền tuyết hoàn hảo, sẵn sàng được chiếu đi khắp thế giới.
Tuyết nhân tạo là một phần không thể thiếu của Olympic Mùa đông vì không nhiều nước có đủ tuyết tự nhiên để tổ chức sự kiện. Nhưng Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên dựa hoàn toàn vào tuyết nhân tạo.
Kỳ Olympic sắp tới cũng sẽ là đỉnh cao của nỗ lực kéo dài 6 năm nhằm biến Trương Gia Khẩu thành phiên bản dãy Alps của Trung Quốc. Bắc Kinh tham vọng sẽ đưa vùng nông nghiệp này thoát khỏi cảnh nghèo khó bằng cách biến nó thành điểm du lịch mùa đông cao cấp.
Giới chuyên gia lo ngại rằng cú thúc Trương Gia Khẩu chuyển đổi sẽ làm xấu đi tình trạng kham hiếm nước trầm trọng của thành phố này, vốn đã nằm trong nhóm thiếu thốn nhất Trung Quốc. Theo tổ chức China Water Risk, hơn một nửa Trương Gia Khẩu đang gặp "căng thẳng về nước". Tài nguyên nước bình quân đầu người của thành phố này chưa bằng 1/5 mức trung bình quốc gia của Trung Quốc.
Ông Carmen de Jong, nhà địa lý tại Đại học Strasbourg cho biết: "Chắc chắn sẽ có một số tác động ở khu vực mà gần như không có nước vào mùa đông. Trong nửa năm, vào mùa thể thao trên tuyết, nước bị rút khỏi hệ sinh thái tự nhiên". Ngoài ra còn có rủi ro tuyết giả gây hại tới môi trường khi chúng tan chảy.
Nhà địa lý de Jong ước tính Trung Quốc có thể cần đến 2 triệu mét khối nước – đủ để lấp đầy 800 bể bơi tiêu chuẩn Olympic – nhằm tạo ra đủ tuyết nhân tạo trong kỳ Olympic.
Tuy tuyết giả cũng được sử dụng trong các kỳ thi thể thao trước đây, một phần rắc rối lần này là khu vực Bắc Kinh-Trương Gia Khẩu khô cằn không phải là nơi lý tưởng để sản xuất tuyết. Lượng mưa trung bình vào mùa đông trong 4 thập kỷ qua chỉ là 7,9 mm. Thị trấn trượt tuyết ở châu Âu Davos ở Thụy Sĩ thu được gấp 9 lần số lượng mưa đó chỉ trong một tháng 12.
Tại Trương Gia Khẩu, khí hậu khô hạn đồng nghĩa một lượng lớn nước sẽ bị mất đi trong quá trình tạo tuyết thông qua bốc hơi và gió lớn. Các kỹ sư cũng phải bơm nước để đóng băng mặt đất trước khi tuyết giả có thể được phủ bên trên.
Những rắc rối này không đủ để ngăn Trung Quốc ngừng đầu tư mạnh vào ngành du lịch ở Trương Gia Khẩu kể từ khi giành quyền đăng cai Olympic Mùa đông 2022 từ năm 2015. Thành phố hiện có 7 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tấp nập và đón 3 triệu người trượt tuyết mỗi năm, Bloomberg cho biết.
Một chuyến tàu nhanh chạy từ năm 2019 chỉ cần 50 phút để đưa khách từ Bắc Kinh, tạo điều kiện cho các chuyến đi ngắn vào cuối tuần. Theo Cục Quản lý Thể thao Nhà nước, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu có 300 triệu người tham gia các môn thể thao trên băng và tuyết. Trung Quốc cũng đã xây dựng 650 trung tâm trượt băng và 800 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên toàn quốc.
Thaiwoo, một trong những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nổi tiếng nhất ở Trương Gia Khẩu, nằm trong một thị trấn phát đạt đầy những cửa hàng sang trọng bán dụng cụ trượt tuyết, cũng như các khách sạn và nhà hàng đắt tiền. Chính quyền tuyên bố Olympic là bước ngoặt lớn, với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm liên quan đến các môn thể thao mùa đông đã giúp hơn 430.000 dân địa phương thoát nghèo.
Nhưng các quan chức cũng nhận thức được gánh nặng mà Olympic đặt lên nguồn nước của Trương Gia khẩu. Để khắc phục, Trung Quốc đã xây 11 bể chứa nước gần địa điểm thi đấu để thu thập 530.000 mét khối nước từ dòng chảy trên mặt đất, mưa và tuyết tan. Nước từ hồ chứa ở Vân Châu, thị trấn cách đó hai giờ lái xe, cũng sẽ được sử dụng.
Giới chuyên gia cảnh báo cách tiếp cận này vẫn sẽ gây gián đoạn tới chu kỳ nước tự nhiên của khu vực. Ủy ban Olympic Quốc tế thậm chí còn coi vấn đề này là một trong những mối quan tâm chính khi xem xét cho Trung Quốc đăng cai. Báo cáo đánh giá của IOC công bố vào năm 2015 lưu ý rằng Bắc Kinh "đánh giá thấp lượng nước cần thiết để tạo tuyết" và đã "đánh giá quá cao khả năng lấy lại nước được sử dụng để tạo tuyết".
Bên ngoài các khu nghỉ mát trượt tuyết của Chongli, quận ở Trương Gia Khẩu là những ngọn đồi màu nâu dài vô tận được gọi là vành đai nghèo bao quanh Bắc Kinh. Hoạt động kinh tế chủ yếu trong khu vực xoay quanh trồng trọt và chăn nuôi trước khi có làn sóng xây dựng du lịch thể thao tuyết.
Bất chấp những lời hứa hẹn về sự phồn vinh mà các khu nghỉ dưỡng sẽ mang lại, một số cư dân địa phương thấy rằng cuộc sống thường nhật chỉ được cải thiện đôi chút. Ông Chen Jianyong, nông dân 60 tuổi, làm thêm việc phụ là người lau dọn ở Thaiwoo. Ông thấy vui vì khu nghỉ dưỡng thuê dân địa phương như ông trong những tháng giá rét không thể trồng trọt.
Nhưng không phải ai cũng thấy vui vì sự thay đổi. Ông Ren, 54 tuổi, bị buộc phải di dời sau khi làng của ông bị phá bỏ để nhường chỗ cho các khách sạn xa xỉ. Ông Ren nói rằng việc xây dựng đã phá hủy rừng và xói mòn đất trong khu vực.
Ông Ren kiếm được 2.750 nhân dân tệ (430 USD) mỗi tháng nhờ dọn tuyết trên đường phố. Công việc này là một phần thỏa thuận giữa ông Ren với nhà phát triển đã lấy đất của ông. Nhưng mức lương này thấp hơn thu nhập khi ông còn là nông dân. Ông chia sẻ: "Điều tốt là giờ chúng tôi có nơi để đi làm. Nhưng mặt xấu là lương quá thấp".