Hai bị cáo đang nghe tuyên án - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên 3 bị cáo không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án do TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm và đã phân tích 51 điểm bất hợp lý của cáo trạng của Viện KSND tối cao và kết luận điều tra của Bộ Công an.
Bắt đầu từ việc thanh toán hợp đồng lúa mì
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Thái Nguyên 1 (trụ sở tại Đồng Nai, do bị cáo Nguyễn Văn Sinh làm chủ) và Công ty Khâm Thiên (tru sở tại TP.HCM, do ông Nguyễn Ngọc Khang làm chủ) có quan hệ kinh doanh lúa mì từ năm 2012. Giữa 2 công ty đã ký kết, thực hiện nhiều hợp đồng mua bán lúa mì với nhau. Đến năm 2012, Công ty Thái Nguyên 1 nợ Công ty Khâm Thiên số tiền là 737 triệu đồng.
Đến ngày 10-1-2013, hai bên ký hợp đồng liên kết kinh doanh lúa mì số 27. Từ hợp đồng này, 2 bên đã ký thêm nhiều hợp đồng mua bán lúa mì khác, trong đó có 4 hợp đồng đã thực hiện xong, chỉ còn 2 hợp đồng số 63 và hợp đồng số 71 với số lượng 6.500 tấn lúa mì. Tất cả số lúa mì này được đưa vào các silô của Công ty Thái Nguyên 1. Sau 2 lần xuất lúa mì của 2 bên thì số lúa mì còn lại trong kho là 4.213 tấn.
Với mục đích bảo vệ lúa mì không bị mất, ông Võ Minh Hường (thủ kho của Công ty Khâm Thiên) tự dán niêm phong vào các van mở silô.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu: do khó khăn về tài chính, lợi dụng việc Công ty Khâm Thiên gửi lúa mì tại kho của Công ty Thái Nguyên 1, ngày 15-10-2013 Nguyễn Văn Sinh đã chỉ đạo Văn Công Đường (nhân viên của Công ty Thái Nguyên 1) phá niêm phong các silô chứa lúa mì của Công ty Khâm Thiên đang gửi.
Đường lại chỉ đạo cho Đặng Văn Chiến (nhân viên Công ty Thái Nguyên 1) phá niêm phong để lấy lúa mì. Ngày 16-10-2013, ông Võ Minh Hường đến kiểm tra hàng hóa thì phát hiện niêm phong bị phá nên lập biên bản nhưng ông Đặng Văn Chiến không chịu ký vào biên bản và to tiếng cãi vã.
Sau đó Nguyễn Văn Sinh đã chỉ đạo đuổi ông Hường ra ngoài. Số lúa mì được lấy ra, Sinh bán thu được số tiền 35 tỉ đồng. Cáo trạng xác định, số lúa mì này có trị giá 37 tỉ đồng, đây chính là số tiền mà các bị cáo đã công nhiên chiếm đoạt.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm xác định việc gửi giữ lúa mì vào kho của Công ty Thái Nguyên 1 là có hợp đồng mua bán, giao dịch thông qua 3 hợp đồng (số 63, 71 và 26) và phụ lục hợp đồng. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai nêu ra 51 điểm bất hợp lý mà HĐXX đã phân tích từ cáo trạng và điều tra công khai tại phiên tòa nên tuyên cả 3 bị cáo đều không phạm tội.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã có kháng nghị với 9 nội dung đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Đồng thời, đại diện Công ty Khâm Thiên cũng có kháng cáo đề nghị tuyên các bị cáo có tội.
Có mặt tại phiên tòa, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên nội dung kháng nghị, đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Cáo trạng đã cắt bỏ một phần hợp đồng làm sai lệch nội dung vụ án
HĐXX phúc thẩm đã cho đối chất tại tòa với các nội dung hợp đồng, phụ lục hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên. Theo đó, từ các hợp đồng này có thể thấy, có việc thanh toán theo các đợt, đối chiếu công nợ và xác định các điều khoản điều kiện thanh toán.
Theo đó, HĐXX phúc thẩm cho rằng hợp đồng số 27 có các thỏa thuận của hợp đồng gửi giữ và mua bán. Khi hai bên có giao dịch mua bán thì phải có hợp đồng mua bán chi tiết cho từng kho hàng. Từ sau ngày 28-3-2013 thì hai bên ký kết hợp đồng "nhận hàng trước trả tiền sau". Do đó, sau khi bán số lúa mì trên, Nguyễn Văn Sinh đã trả cho Công ty Khâm Thiên hơn 18 tỉ đồng.
HĐXX phúc thẩm xác định đây là giao dịch dân sự kinh doanh thương mại và cho rằng việc hợp đồng giữa hai công ty ký với nhau là hợp đồng gửi giữ và các thỏa thuận của hợp đồng mua bán.
Trong các hợp đồng này đều có thỏa thuận về việc thanh toán theo từng giai đoạn, tuy nhiên, cáo trạng của Viện KSND tối cao đã không ghi nhận đầy đủ nội dung hợp đồng và các phụ lục hợp đồng dẫn đến cáo trạng xác định sai về thỏa thuận thanh toán của hợp đồng là "thanh toán tiền trước khi nhận hàng" để kết tội các bị cáo là không đúng bản chất sự việc cũng như nội dung đơn tố giác tội phạm.
Ngoài ra, nội dung cáo trạng có sự đánh đồng các giao dịch của Công ty Khâm Thiên và Công ty Thái Nguyên 1 chỉ là hàng theo giao dịch gửi giữ mà không xác định giữa hai bên tồn tại cả hàng đã bán theo hợp đồng mua bán sau ngày 28-3-2013.
"Việc sai lệch của cáo trạng nêu trên là nguyên nhân tạo ra các mâu thuẫn, không phù hợp với các sự kiện khách quan khác thu được trong quá trình điều tra", thẩm phán chủ tọa nhận định.
Ngoài ra, HĐXX còn cho rằng theo đơn tố giác tội phạm xác định tháng 10-2013 hai bên chỉ còn giao dịch với 2 hợp đồng, điều này có nghĩa là không còn hàng gửi tại kho của Công ty Thái Nguyên 1. Vì vậy, dù có việc đuổi ông Hường là có thật thì đây cũng không phải là hành vi phạm tội mà các bị cáo bảo vệ, định đoạt tài sản của mình.
HĐXX phúc thẩm cũng cho rằng việc ông Khang (Công ty Khâm Thiên) không báo cơ quan chức năng ngay sau khi xảy ra sự việc khi bị cáo Sinh đuổi ông Hường ra khỏi kho và thông báo đã phá niêm phong lấy hàng. Hơn nữa, ngay ngày hôm sau, hai công ty còn đối chiếu công nợ thì không có việc các bị cáo công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Do đó, HĐXX đã căn cứ khoản 2 các điều 91, 92, 93, 94 Bộ luật TTHS thì các cơ quan tiến hành tố tụng không được sử dụng các tình tiết là các lời khai của những người tham gia tố tụng để làm chứng cứ buộc tội và gỡ tội nếu như lời khai này không phù hợp với các chứng cứ khác.
Từ các phân tích trên, HĐXX phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên cả 3 bị cáo đều không phạm tội.
Phiên tòa hôm nay chỉ có 2 bị cáo có mặt là bị cáo Nguyễn Văn Sinh và Đặng Văn Chiến, bị cáo Văn Công Đường vắng mặt vì bị bệnh hiểm nghèo nên xin được xét xử vắng mặt.
TTO - Một nữ công dân bị đánh gãy tay, thương tật 15%, có đơn trình báo công an để xử lý kẻ đánh mình nhưng bà lại bị xử phạt về hành vi “đánh nhau”. Trưởng Công an TP Nha Trang đã giải quyết khiếu nại, hủy bỏ quyết định xử phạt đó.
Xem thêm: mth.102527142102202-iot-ov-oac-ib-3-neyut-aot-na-yuh-ihgn-ed-tas-meik-neiv/nv.ertiout