Tính tới 23h07 theo giờ Hà Nội, Dow Jones đã giảm 664 điểm, tương đương 1,94%. Trong khi đó, S&P 500 giảm tới 109,03 điểm, tương đương 2,48% còn Nasdaq mất 392,3 điểm, tương đương 2,85%. Như vậy, nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, Dow Jones vẫn giảm ít nhất trong 3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ.
Diễn biến tồi tệ của chứng khoán Mỹ, đặc biệt là Nasdaq, kéo dài thêm những mất mát từ tuần trước. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/1, Nasdaq xác lập kỷ lục buồn khi trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ cú bán tháo hồi tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở phương Tây, kích hoạt một loạt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn virus lây lan.
Trở lại với buổi sáng 24/1, riêng cổ phiếu Tesla đã giảm 8% trong đầu phiên giao dịch. Apple cũng mất 1,5% trong khi Microsoft mất 2%.... Các cổ phiếu công nghệ, vốn được hưởng lợi trước các biện pháp kích thích kinh tế, đang trở thành đối tượng bị bán tháo mạnh nhất khi FED dự định tăng lãi suất.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong khi S&P 500 VIX, chỉ số đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư, tăng mạnh.
Cũng trong sáng cùng ngày, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống còn 1,74%.
Trong khi đó, chúng khoán châu Âu cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi Stoxx 600 mất tới 3% giá trị. Các nhà đầu tư đang vô cùng lo ngại trước cuộc họp sắp tới của FED cũng như những căng thẳng giữa Ukraine và Nga, vốn đang được phương Tây cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang sẽ chính thức bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vào 25/1 và kết thúc vào 26/1. Các nhà đầu tư tin rằng FED sẽ phát tín hiệu về đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát. Cùng với đó, chương trình kích thích kinh tế cũng sẽ chấm dứt, đổi chỗ cho những chính sách diều hâu hơn.
Lạm phát gia tăng là mối quan ngại lớn nhất với FED và các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ để biết cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ đánh giá tình hình ở mức độ nào. Sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng sẽ có những thông báo ngắn gọn với giới truyền thông vào chiều 26/1 theo giờ địa phương.
Bên cạnh đó, vấn đề Ukraine tiếp tục khiến thị trường thêm lo lắng. Hôm 23/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến nghị tất cả công dân Mỹ rời khỏi Ukraine ngay lập tức với lý do Nga đang tập hợp một lực lượng vũ trang lớn bất thường tại biên giới.
Trước đó, Anh cáo buộc Điện Kremlin đang cố gắng đưa một nhà lãnh đạo thân Nga lên lãnh đạo Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần phủ nhận rằng họ muốn đưa quân vào quốc gia láng giềng.
Những diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang tạo thêm những áp lực lên thị trường tiền số. Trong lúc thấp điểm của phiên giao dịch sáng nay, Bitcoin chỉ còn 33.046 USD/coin, con số thấp kỷ lục mà người ta đã không còn nhìn thấy trong nhiều tháng gần đây. Nó thậm chí còn chưa bằng 1 nửa so với đỉnh gần 69.000 USD mà đồng tiền số này xác lập vào tháng 11 vừa qua.
http://tintuc.vdong.vn/01/1197680.htm