Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư vừa công bố Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2020-2021 và Top 22 doanh nghiệp tỉ đô năm 2020-2021. Thế Giới Di Động (MWG) đã xuất sắc nằm trong cả hai danh sách.
Điều gì làm nên "nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam" trong bối cảnh đại dịch?
Để có kết quả như trên trong bối cảnh bán lẻ nói riêng và ngành kinh tế nói chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Thế Giới Di Động (MWG) đã năng động thích ứng, sẵn sàng thử nghiệm cái mới, đồng thời hưởng lợi từ chiến lược dài hạn trước đó.
Tính riêng mảng bán lẻ công nghệ, suốt năm 2020 và đặc biệt khoảng nửa sau năm 2021, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa, song hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh vẫn giữ được đà tăng trưởng cao hơn thị trường.
Ngoài chiếm thị phần lớn, sự nhạy cảm trong kinh doanh cũng là chìa khoá để giải bài toán đại dịch: trong khi cả thị trường khan hiếm hàng hóa do đứt gãy chuỗi cung ứng, nhà bán lẻ này vẫn đảm bảo được nguồn hàng cần thiết cung cấp cho thị trường.
Chuỗi siêu thị Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh
Cùng với đó, dịch bệnh cũng cho thấy khả năng "trong cái khó ló cái mới" của MWG. Chuỗi trình làng và ghi dấu ấn với loạt thử nghiệm mới, bao gồm các trung tâm laptop, cửa hàng xe đạp, chuỗi Điện máy Xanh Supermini, mô hình Cộng tác viên.
Với laptop, nếu lũy kế 11 tháng đầu năm, doanh thu sản phẩm công nghệ của MWG tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ 2020 thì laptop tăng trưởng cao nhất, 52%. Điều này nhờ hưởng lợi từ xu hướng làm việc và học tập tại nhà và từ tính toán trước đó về nhu cầu laptop sẽ gia tăng nên Thế Giới Di Động đã là nhà bán lẻ đầu tiên khai trương hàng loạt các trung tâm và cửa hàng laptop trên toàn quốc.
Tiếp theo, chuỗi Điện máy Xanh supermini siêu nhỏ (120-150m2) cũng là bước thử nghiệm thành công giữa năm ngoái,mô hình này len lỏi đến khắp xã phường ở các địa phương trên toàn quốc. Một thử nghiệm thành công khác phải nói đến việc mở bán xe đạp. Thử nghiệm này thành công đến mức nhà bán lẻ mở rộng lên 150 cửa hàng tới thời điểm này, mỗi cửa hàng góp 400 triệu - 600 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, để lọt vào Top 22 doanh nghiệp tỷ đô của Việt Nam, là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 2 cả nước, MWG đã không ngừng sáng tạo, tìm hướng đi mới, song song với việc duy trì đà tăng trưởng cho những thế mạnh cốt lõi.
Viết tiếp giấc mơ 10 tỉ USD
Để trở thành nhà bán lẻ lọt vào danh sách doanh nghiệp tỷ đô, động lực chính yếu của MWG có lẽ là những giấc mơ và sự 'tham lam' cần thiết.
Tuần trước, MWG cùng lúc tung ra 5 chuỗi bán lẻ trái ngành mới hoàn toàn, với tên thương hiệu bắt đầu bằng AVA, chính thức nhảy vào kinh doanh bán lẻ đa ngành ở các lĩnh vực thời trang, thể thao, mẹ và bé, trang sức, xe đạp.
Thế Giới Di Động trình làng cùng lúc 5 chuỗi bán lẻ AVA trong tháng 1
Tại buổi khai trương, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG, khẳng định chỉ cần vài chuỗi trong những thử nghiệm này thành công, Tập đoàn sẽ nhanh chóng phủ khắp Việt Nam các cửa hàng này để chiếm lĩnh thị trường, góp sức vào giấc mơ doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2025.
Trong các lĩnh vực bán lẻ mới mà MWG theo đuổi, các mảng thời trang, thể thao, mẹ & bé đều cực kỳ tiềm năng, chỉ cần nắm khoảng 10% thị phần trở lên ở mỗi mảng thì MWG hoàn toàn có thể viết tiếp câu chuyện 10 tỉ USD thuận lợi hơn.
Ngoài ra, mảng trang sức, xe đạp cực kỳ hứa hẹn khi họ hầu như không tốn chi phí mặt bằng hay nhân viên để mở chuỗi, trong khi tỷ suất lợi nhuận ngành này lại rất cao.
Trước khi tạo cơn sốt với việc khai trương 5 chuỗi bán lẻ cùng lúc, Thế Giới Di Động cũng đã kết hợp với Apple mở loạt cửa hàng TopZone chuyên bán sản phẩm của hãng táo. Dù hiệu ứng khai trương đã qua nhưng một số cửa hàng TopZone vẫn mang về doanh thu lên đến 27-28 tỉ đồng/tháng, vì vậy Thế Giới Di Động kỳ vọng doanh thu một tháng ở mỗi cửa hàng đạt mức 8-10 tỉ đồng. Đến hiện tại, nhà bán lẻ này đã sở hữu gần 20 cửa hàng TopZone - đứng hang đầu về số lượng cửa hàng chuyên bán sản phẩm Apple.
Cùng thời điểm thai nghén TopZone, Thế Giới Di Động đồng thời cử người sang phụ trách thị trường Campuchia để phát triển chuỗi Bluetronics, tạo nền tảng cho những bước chân ra thị trường Đông Nam Á. Bluetronics hiện đứng đầu thị trường nước láng giềng về doanh thu và số lượng cửa hàng, bắt đầu đóng góp doanh thu cho MWG.
Trước đó, HĐQT MWG thống nhất tái cơ cấu các công ty con nhằm để ngỏ khả năng tham gia mảng logistics, nông sản, mở ra những cánh cửa kinh doanh rất rộng mở cho tập đoàn này.
Có thể thấy hàng loạt chuỗi kinh doanh mới tiềm năng và những chuỗi cốt lõi hiện tại đang góp sức cho Thế Giới Di Động viết tiếp giấc mơ 10 tỉ USD. Trên chặng đường này, MWG vẫn đang trung thành với triết lý thử nghiệm để tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp, sau đó mở rộng chuỗi một cách thần tốc.