Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc sụt 1.115 điểm (tương đương 3,25%) nhưng rồi đóng cửa tăng 99 điểm (0,29%), hiện dừng ở 34.364,5 điểm. Đây là phiên tăng đầu tiên của chỉ số blue chip này sau 6 phiên giảm liên tục.
S&P 500 có lúc giảm sâu và rơi vào vùng điều chỉnh vì thấp hơn 10% so với đỉnh lịch sử hôm 3/1, tuy nhiên chỉ số này kết phiên tăng 0,28% lên 4.410 điểm.
Nasdaq Composite có lúc cắm đầu tới 4,9% nhưng rồi cũng hồi phục và đóng cửa tăng 0,63% lên 13.855 điểm. Theo CNBC, chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 cũng kết phiên trong sắc xanh.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 Nasdaq giảm hơn 4% trong một phiên rồi đóng cửa trên tham chiếu. Với Dow Jones, đây là phiên biến động trong ngày mạnh nhất kể từ đợt giao dịch hỗn loạn vào tháng 3/2020.
Ông Marko Kolanovic, Giám đốc Chiến lược thị trường toàn cầu của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, ngày 24/1 cho rằng đợt bán tháo cổ phiếu đã đi quá xa và khuyến nghị nhà đầu tư bắt đáy.
"Đợt suy giảm gần đây trong các tài sản rủi ro dường như hơi bị quá đà. Một số chỉ báo kỹ thuật tiếp cận vùng quá bán và tâm lý nhà đầu tư đang chuyển sang tiêu cực, những dấu hiệu này cho thấy chúng ta có thể đang ở trong giai đoạn cuối cùng của đợt điều chỉnh", ông Kolanovic nói.
"Thị trường đang chật vật vì việc dòng tiền luân chuyển đột ngột trong môi trường lợi suất lên cao, nhưng chúng tôi kỳ vọng mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV sẽ trấn an nhà đầu tư và trong kịch bản xấu nhất, Fed sẽ lao vào giải cứu".
Đầu phiên 24/1, nhà đầu tư bán tháo ồ ạt cổ phiếu công nghệ tương tự như đã làm trong suốt tháng qua, vì lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, nhóm công nghệ dần lấy lại cân bằng với Meta, Amazon và Microsoft cùng đóng cửa trên tham chiếu.
Sau phiên hồi phục vừa qua, S&P 500 vẫn thấp hơn 7,5% so với đầu tháng, thành tích tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.
Nhà đầu tư đang chú ý dõi theo cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed trong hai ngày 25 và 26/1. Thông tin được mong đợi nhất là ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất bao nhiêu trong năm nay và bắt đầu từ khi nào.
Trong cuộc họp lần này, nhiều khả năng lãi suất sẽ giữ nguyên do Fed vẫn đang giảm dần tốc độ bơm tiền. Dự kiến vào tháng 3 khi chương trình bơm tiền thông qua mua trái phiếu dừng hẳn, Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên.
Trong cuộc họp báo sau phiên họp chính sách của FOMC, Chủ tịch Jerome Powell cũng có thể đưa ra một số gợi ý về thời gian bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD của Fed.
Nhà đầu tư cũng đang theo dõi căng thẳng địa chính trị leo thang với việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới với Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/1 nói chuyện với các nhà lãnh đạo châu Âu để bàn cách ứng phó nếu Nga đưa quân tấn công Ukraine.