“Người dân TP.HCM không cần phải lo lắng về việc thiếu hàng hóa để mua sắm trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Bất cứ khi nào bước ra khỏi cửa đã có hàng hóa sẵn” - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết.
Không lo thiếu thịt, cá… dịp tết
. Phóng viên: Thưa ông, chỉ còn khoảng một tuần nữa sẽ đến tết Nhâm Dần 2022, vậy TP.HCM đã chuẩn bị nguồn hàng hóa ra sao để phục vụ người dân?
+ Ông Nguyễn Nguyên Phương (ảnh): Do khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thu nhập của người dân giảm, dẫn đến sức mua còn thấp. Chính vì vậy, ngành công thương TP.HCM đã tham mưu cho Bộ Công Thương, UBND TP.HCM các giải pháp để chuẩn bị nguồn hàng hóa với giá cả ở mức độ hợp lý.
Đồng thời, chúng tôi vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mãi, tập trung nguồn hàng dự trữ cung ứng đầy đủ cho người dân, chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Nguồn vốn dự trữ hàng của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn đạt khoảng 20.000 tỉ đồng, trong đó giá trị nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 7.000 tỉ đồng.
Theo đó, các công ty tham gia bình ổn sẽ giữ giá ổn định trước và sau tết một tháng. Đặc biệt, trong 2-3 ngày cận tết, các mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng… sẽ có chương trình khuyến mãi đậm để phục vụ cho công nhân, người lao động thu nhập trung bình và thấp. Mục tiêu là làm sao những đối tượng này được mua hàng hóa chất lượng, giá ổn định và có nhiều khuyến mãi.
. Ông nhận định gì về cung cầu hàng hóa, sức mua cũng như giá cả trong mùa tết năm nay?
+ Như tôi đã đề cập, do thu nhập của người dân gặp khó khăn nên sức mua năm nay không sôi động như mọi năm. Hơn nữa, sau khi TP mở cửa trở lại, nhà sản xuất cần có thời gian chuẩn bị để đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó, một số sản phẩm có vòng đời sản xuất dài trong thời điểm tết có thể thiếu hụt, giá cả cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, tình trạng này có thể chỉ xảy ra với một số mặt hàng giới hạn, bù lại sẽ có những mặt hàng khác thay thế.
Các điểm bán vỉa hè giảm giá được nhiều người dân đến mua sắm.
Ảnh: TÚ UYÊN
Không để xảy ra tăng đột biến
. Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai các mạng lưới phân phối hàng hóa như thế nào để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và mua sắm trong dịp tết, thưa ông?
+ Đa số hệ thống phân phối hiện đại, siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi đã tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp tết. Hiện các địa điểm này đã được thông tin cụ thể cho UBND quận, huyện. Chúng tôi cũng đã triển khai cho các đơn vị liên quan tăng thời gian bán hàng trong các ngày cao điểm, mở cửa sớm và đóng cửa trễ hơn bình thường. Do đó, người dân có thể thoải mái mua sắm, tránh xảy ra tình trạng chen chúc.
Cụ thể, các hệ thống phân phối lớn chỉ nghỉ chiều 30 tết và mùng 1, sáng mùng 2 quay trở lại bán hàng phục vụ người dân.
. Vào thời gian cao điểm cận tết, khi sức mua tăng cao có thể xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Vậy Sở Công Thương có giải pháp cụ thể nào để đảm bảo bình ổn thị trường?
+ Hiện nay, hàng hóa đã dự trữ đầy đủ. Vấn đề còn lại là sở giám sát tình hình cung ứng hàng hóa đưa ra thị trường, giữ giá cả ổn định. Chúng tôi đánh giá tại kênh phân phối hiện đại, hàng hóa bình ổn thị trường được cung ứng đầy đủ và ổn định nhưng khả năng có thể biến động ở kênh truyền thống như chợ. Lý do là ban đầu các tiểu thương đánh giá sức mua không cao nên lấy hàng hạn chế, tuy nhiên có thể diễn ra đột biến khi sức mua tăng cao, lượng hàng chuẩn bị hết sớm. Do vậy, giá cả sẽ tăng cao nhưng điều này chỉ có thể xảy ra với một số mặt hàng ở vài địa điểm cụ thể.
Vì thế, Sở Công Thương đã giao trách nhiệm cho ban quản lý chợ, địa phương theo dõi sát sao, thông tin kịp thời. Các công ty trong chương trình bình ổn thị trường sẽ kịp thời bổ sung hàng hóa, đồng thời sẽ tổ chức các chuyến xe lưu động giúp ổn định giá, không để giá cả tăng đột biến, “trên trời” và lan ra trên diện rộng.
. Xin cám ơn ông.
Tiểu thương chợ truyền thống sốt ruột chờ khách Dù đã cận tết nhưng theo ghi nhận của PV tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, không khí buôn bán khá trầm lắng, tiểu thương đang nóng ruột chờ khách đến mua hàng. Nhiều tiểu thương cho hay năm nay, lượng hàng nhập về bán tết chỉ bằng một nửa năm ngoái. Tại chợ phường 11, quận Tân Bình, tiểu thương đã bắt đầu bày bán bánh kẹo, mứt và đồ trang trí tết. Ông Nguyễn Thành Trung, bán bánh kẹo tết mười mấy năm tại chợ này, chia sẻ: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mọi người ăn tết đơn giản, sắm sửa ít. Tôi chỉ mong từ đây tới tết bán được hàng, không tồn nhiều”. Tại chợ An Lạc, quận Bình Tân, không khí mua sắm có phần nhộn nhịp hơn nhưng không bằng mọi năm. Bà Ngọc Tuyền, tiểu thương bán hoa vải, cho hay nếu mọi năm bán mười phần thì năm nay chỉ bán được bảy phần. “Mười mấy năm tôi bán ở đây nhưng chưa bao giờ thấy chợ vắng như dịp tết này. Tôi nghĩ mọi người tiết kiệm nên không mua hoa nhiều mà chỉ mua những mặt hàng thiết yếu” - bà Tuyền nói. TH.PHƯƠNG - T.TRINH Quần áo, túi xách… giá rẻ bán vỉa hè hút khách Trong khi sức mua bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM còn khá ảm đạm thì các điểm bán quần áo, giày dép, túi xách ở vỉa hè với giá bình dân được nhiều khách ghé mua. Những ngày qua, tại các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Trần Huy Liệu… dù đã 10 giờ đêm nhưng không khí mua bán vẫn khá nhộn nhịp. Đang cùng người thân chọn mua hàng tại một điểm bán vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, anh Minh Thắng cho biết đang tìm mua túi xách làm quà tết tặng cho người thân ở An Giang. “Qua điện thoại, người thân ưng ý mẫu mã và mức giá cũng vừa túi tiền nên tôi quyết định mua hai cái túi xách” - anh Thắng chia sẻ. Trong khi đó, chị Huyền (chủ điểm bán giày dép tại quận 5) thông tin người dân bắt đầu đi mua sắm tết từ tuần trước. Những mặt hàng giá rẻ, hợp túi tiền được chọn mua nhiều nhất. Hiện dép người lớn đang được chị bán với giá 70.000-80.000 đồng/đôi, dép trẻ em 40.000-50.000 đồng/đôi. TÚ UYÊN |