Không mở cửa là đánh mất cơ hội
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp Ban IV tổ chức Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 20 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố vào chiều 24/1.
"Suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi vì mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc xin, mở cửa du lịch cũng không giảm tỷ lệ tiêm vắc xin. Không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ - đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả", ông Trương Gia Bình nêu ý kiến.
Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh không có lí do nào để tiếp tục đóng cửa du lịch. Ảnh: Tổ Quốc
Việc mở cửa du lịch còn có ý nghĩa quan trọng đối với 2,5 triệu lao động của ngành du lịch. "Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng rồi, khách sạn, máy bay bao tiền đầu tư giờ không có khách. Thật vô lý nếu không mở cửa bây giờ, không mở là chúng ta mất cơ hội ngàn năm", ông Bình nói.
Nhiều chuyên gia đặt vấn đề về hình thức mở cửa. Theo phân tích của ông Bình, Việt Nam không thể thoát khỏi thông lệ quốc tế. "Khi du khách đến Việt Nam, những gì người Việt được làm ta cũng phải cho họ làm như vậy. Mình cũng tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, du khách cũng vậy", ông Bình nêu.
Du lịch dần khởi sắc
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá, thị trường nội địa có dấu hiệu khởi sắc, cứ nhìn cảnh sân bay tắc nghẽn thì rõ. Ông Quang cũng đề nghị Bộ VHTTDL sớm xin phép Thủ tướng công bố đón khách ngay từ 1/2/2022 để các thị trường chuẩn bị. Để làm điều này cần thay đổi nhiều quy định, quan trọng hơn là cần quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch bị F0.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ tin tưởng Bộ VHTTDL tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong việc khôi phục du lịch. Ông nhận định, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua thể hiện sự tin tưởng, khao khát của họ dành cho Việt Nam. Tuy nhiên số lượng chưa nhiều (8,5 nghìn người), có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau trong đó không thể không nhắc tới tâm lý băn khoăn phải cách ly khi sang Việt Nam du lịch.
Bộ VHTTDL và Ban IV phối hợp thống nhất ý kiến đề xuất Chính phủ công bố thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế. Ảnh: Tổ Quốc
Người làm du lịch cần mạnh mẽ hơn quyết liệt hơn, ông Bình đề xuất. Ông nêu ra một số điểm không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay như quy định về thời gian xét nghiệm PCR, điều kiện doanh nghiệp được phép đón khách... "Doanh nghiệp nào còn đủ tiền ký quỹ thì đăng ký lại để đón khách. Tôi nghĩ có lẽ ngay lập tức có hơn 7 nghìn doanh nghiệp sẵn sàng đón khách. Bộ Y tế trình Chính phủ về việc cách ly ở các địa phương để khách đến biết được rõ ràng. Các địa phương nếu có gì thay đổi chính sách nên báo trước cho doanh nghiệp để họ thay đổi" ông Bình đề xuất.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch cũng chỉ ra ba vấn đề tồn tại gây trở ngại cho phục hồi du lịch: Đó là quy định khó khăn về đi lại, một số quy định đòi hỏi doanh nghiệp muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành; quy định về phòng dịch hiện hành khiến khách rất ngại vào Việt Nam. "Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc mở càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần có thời gian để việc mở cửa được an toàn và cần tạo mọi điều kiện để đưa du khách đến Việt Nam, tinh thần là sớm hơn so với dự kiến là 30/4/2022", ông Kiên nêu.
Cần chính sách nhất quán
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia nghiên cứu độc lập nhắc lại, trong số các giải pháp đối phó với chủng Omicron, không có giải pháp nào là đóng cửa du lịch. Nếu chờ 2-3 năm tới có vắc xin phòng lây lan dịch có lẽ ngành du lịch đã bị xóa sổ. "Có thể mở từ hôm nay nếu đảm bảo an toàn: Khách du lịch được tiêm đầy đủ vắc xin; có giấy xét nghiệm âm tính trước khi bay; các chuyến bay quốc tế không yêu cầu khách mặc bảo hộ màu xanh, chỉ cần đeo khẩu trang. Khi vào Việt Nam thì hãy ứng xử như khách nội địa, không cách ly tuy nhiên cần thông báo nếu họ có triệu chứng thì nên báo cáo để xử lý", bà Thu Anh nói.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu quan điểm, nhiệm vụ của Bộ Y tế là đảm bảo được các biện pháp an toàn, thích ứng với dịch bệnh. "Chúng ta không nên chỉ nói về mở cửa hay đóng cửa, đi lại hay không mà chúng ta phải tiếp cận ở hướng phòng chống dịch như thế nào như điều trị, tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách rộng hay nhỏ hẹp... Việc đáp ứng còn phụ thuộc là không chỉ diễn biến ở một quốc gia mà là khả năng phòng, chống dịch mỗi nước", bà Hằng phân tích.
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) là một trong những đại biểu bộ, ngành nhất trí nên sớm công bố thời điểm mở cửa du lịch. Ảnh: Tổ Quốc |
Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm chủng đứng top đầu trên thế giới, tuy nhiên chuyên gia y tế cho rằng vẫn không thể xem nhẹ biện pháp phòng tránh. "Chúng tôi rất kỳ vọng sẽ xem xét, rà soát để có hướng dẫn đồng bộ nhất quán đáp ứng được tình hình dịch cho người nhập cảnh", bà Hằng nêu.
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) nhắc lại quan điểm của Thủ tướng-tiêm vắc xin để mở cửa các lĩnh vực kinh tế. "Chúng tôi đã đề xuất một số chính sách trong việc tạo điều kiện cho bà con gốc Việt về nước. Câu chuyện còn lại là khách du lịch. Bộ được giao đàm phán hộ chiếu vắc xin. Hiện nay có 10 nước đã công nhận hộ chiếu vắc xin của chúng ta như Anh, Mỹ Nhật…và chúng ta tạm công nhận hộ chiếu vắc xin của 72 nước. Việc này chúng ta cần tiếp tục đàm phán thêm", ông Quảng thông tin.
Khách quốc tế đến Việt Nam cần thời gian để chuẩn bị, do đó ông Quảng cho rằng Việt Nam phải có chính sách nhất quán. "Có khi lên máy bay thì chính sách này, xuống máy bay chính sách đã thay đổi. Khách du lịch rất sợ điều này. Do đó, chúng ta phải thống nhất cách quản lý khách du lịch quốc tế từ trung ương đến địa phương", ông nói.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ sớm rà soát các quy định để có hướng dẫn đồng bộ. Ảnh: Tổ Quốc |
Đồng tình với các đại diện bộ, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia du lịch, Thiếu tướng Lê Văn Phúc (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng) nêu, về lộ trình Chính phủ đã cho chủ trương rồi, làm sao đạt được 2 mục tiêu vừa an toàn, đạt mục đích phát triển. Đến thời điểm này chúng ta có thể mở cửa là tương đối được, mốc thời gian cần linh hoạt là được.
Kế hoạch thí điểm vừa rồi chưa tính tới đón khách bằng đường biển và đường bộ. Ông Lê Văn Phúc nêu, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng quản lý tổng cộng 157 cửa khẩu trên toàn quốc, đã có phương án đón khách du lịch trở lại. "Các đơn vị du lịch đều có thể khai báo điện tử. Chúng tôi cũng phối hợp triển khai 6 thủ tục điện tử. Việc thực hiện visa điện tử cũng được chúng tôi phối hợp với Bộ Công an triển khai tự động hoá công tác kiểm soát nhập cảnh ở tất cả cửa khẩu đường bộ. Vấn đề đặt ra là làm sao thu hút hành khách, các thị trường phù hợp để phát triển kinh tế", ông Phúc nói.
Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:
Công bố thời điểm mở cửa rộng rãi cho thế giới
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của đại diện bộ, ngành, chuyên gia du lịch, doanh nghiệp, các tỉnh/thành. Để mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế, ông Hùng đề nghị các doanh nghiệp cần khẩn trương điều tra, nghiên cứu để có chính sách phù hợp. Về phòng, chống dịch cần sự nhất quán từ trung ương tới địa phương. Để chuẩn bị đón khách trở lại, Bộ trưởng nhắc tới câu chuyện thu hút, đào tạo lại nguồn nhân lực sau hai năm doanh nghiệp kiệt quệ, mất nguồn nhân lực.
"Chúng ta sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế; thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết, từ nay đến thời điểm đó chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ; có thông điệp rõ ràng, quyết tâm cao", ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Theo Nguyên Khánh
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.37781740242102202-naot-naoh-hcil-ud-auc-om-gnohk-uen-yl-ov-taht/nv.zibefac