Trong cuộc họp trực tuyến ngày 24-1, Mỹ, châu Âu tuyên bố hoàn toàn thống nhất về việc ngăn chặn Nga tấn công Ukraine - Ảnh: NATO
Phương Tây yêu cầu Nga rút quân
Theo Hãng tin AFP, ông Biden cho biết cuộc họp kéo dài 1 giờ 20 phút với các đồng minh từ châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra rất tốt đẹp và ông nhất trí hoàn toàn với các lãnh đạo châu Âu.
Tại London, văn phòng của Thủ tướng Boris Johnson cũng cho biết "các nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của sự đoàn kết quốc tế trước sự thù địch ngày càng gia tăng của Nga".
Thủ tướng Đức Olf Scholz cho biết "việc giảm leo thang có thể thấy là tùy thuộc vào Nga".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo nếu có "bất kỳ hành động gây hấn nào nữa" của Matxcơva với Ukraine sẽ gây ra cái giá rất đắt. Các lãnh đạo Pháp, Ý, Ba Lan và Liên minh châu Âu cũng tham dự.
Phía Nga khẳng định không có ý định tấn công Ukraine nhưng được cho là đã triển khai khoảng 100.000 quân đến gần Ukraine.
Nga yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh, trong đó có điều kiện vĩnh viễn không cho phép Ukraine gia nhập NATO cũng như các nhượng bộ khác của Mỹ để đổi lấy việc giảm căng thẳng.
Mỹ và NATO bác yêu cầu của Nga và yêu cầu Tổng thống Nga Putin rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 24-1, Mỹ, châu Âu tuyên bố hoàn toàn thống nhất về việc ngăn chặn Nga tấn công Ukraine - Ảnh: REUTERS
8.500 lính Mỹ trong tình trạng sẵn sàng
Trong thông báo ngày 24-1, giờ địa phương, người phát ngôn John Kirby của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong trường hợp được yêu cầu, 8.500 lính Mỹ có thể tham gia lực lượng phản ứng của NATO.
"Rõ ràng là Nga không có ý định xuống thang ngay lúc này. Việc sẵn sàng triển khai quân là nhằm trấn an các đồng minh NATO", báo New York Times dẫn lời ông Kirby nói.
Một số đơn vị có thể sẵn sàng triển khai trong vòng 5 ngày. Ngoài 8.500 binh lính trên, Mỹ cũng có thể gửi thêm một số quân nhân đến châu Âu vì một số mục đích khác và có thể được triển khai khi xảy ra các tình huống khác.
Theo Hãng tin Reuters, thông báo sẵn sàng triển khai đã được gửi đến các binh lính thuộc các đội chiến đấu lữ đoàn bổ sung, hậu cần, hỗ trợ y tế, hỗ trợ hàng không và lực lượng tham gia các nhiệm vụ tình báo, trinh sát và giám sát.
Trước đó, cũng trong ngày 24-1, NATO cho biết đã đặt các lực lượng trong tình trạng sẵn sàng và củng cố tàu, máy bay chiến đấu tại khu vực Đông Âu, đồng thời có thể triển khai thêm quân.
NATO hiện có 4.000 quân đặt tại Estonia, Lithuania, Latvia và Ba Lan, cùng với xe tăng, các đơn vị phòng không, tình báo và giám sát.
Căng thẳng giữa Mỹ, phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine leo thang khi Washington và các đồng minh thời gian qua chỉ trích việc Nga đưa hơn 100.000 quân đến gần biên giới Ukraine với ý đồ xâm chiếm nước láng giềng. Nga phủ nhận mọi cáo buộc.
Mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johson cảnh báo 60 nhóm chiến đấu của Nga ở biên giới với Ukraine có thể mở "cuộc chiến thần tốc" để chiếm Kiev. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhận định Matxcơva sẽ đưa quân vào Ukraine.
Mỹ đã giảm nhân viên ở đại sứ quán tại Kiev, cho phép các nhân viên không thiết yếu và thân nhân các nhà ngoại giao rời đi, trong khi Anh cũng rút một số nhân viên ngoại giao tại Ukraine.
Nga cũng tuyên bố quân đội Ukraine chống lại phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở phía đông đất nước có thể gây ra xung đột giữa hai bên. Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine sẽ không "khuất phục trước các hành động khiêu khích".
8.500 lính Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động cao về khả năng triển khai tới Đông Âu - Ảnh: AFP
TTO - Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Thụy Sĩ, người đồng cấp Mỹ Antony Blinken cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với 'phản ứng nhanh chóng, nghiêm khắc và đoàn kết' nếu Matxcơva tấn công Ukraine.
Xem thêm: mth.18184357052102202-eniarku-gnoc-nat-agn-nahc-nagn-irt-tahn-ua-uahc-ym/nv.ertiout