Trong bối cảnh Nga đang tăng cường lực lượng dọc biện giới giáp Ukraine những tháng gần đây, làm gia tăng lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng của Moscow nhắm vào Kiev, chính quyền một số quốc gia đã quyết định đưa nhân viên ngoại giao và công dân nước mình trở về nước.
Vào ngày 23-1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho gia đình của các nhà ngoại giao làm việc tại Kiev rời khỏi Ukraine ngay lập tức để tránh "mối đe dọa từ hành động quân sự của Nga”.
Phản hồi lại, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Mỹ và các đồng minh phương Tây cho rằng họ đang lên kế hoạch tấn công Ukraine.
Israel lên kế hoạch đưa hàng loạt người Do Thái khỏi Ukraine
Theo đài RT, các quan chức hàng đầu của Israel được cho là đang chuẩn bị cho một kịch bản trong đó họ sẽ phải sơ tán hàng chục nghìn người Do Thái khỏi Ukraine trong trường hợp quốc gia này bị Nga tấn công.
Người dân đeo khẩu trang phòng chống dịch COVID-19 đi dọc đường phố ở Ukraine. Ảnh: RT
Đưa ra thông tin vào ngày 23-1, tờ Haaretz cho biết quan chức đại diện một số văn phòng chính phủ Israel đã gặp nhau vào cuối tuần để thảo luận về nguy cơ cộng đồng Do Thái ở Ukraine có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột.
Cuộc họp được cho là có sự tham gia của các quan chức từ Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông và Bộ Ngoại giao Israel, cũng như những người chịu trách nhiệm duy trì quan hệ với những công dân Do Thái cư trú trên các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ.
Israel từ lâu đã lên kế hoạch hồi hương cho cộng đồng người Do Thái của mình nếu cần, và hiện các quan chức nước này đang gấp rút xem xét các tình huống sơ tán như vậy trong bối cảnh mối lo ngại về một cuộc tấn công từ Nga nhằm vào Ukraine đang gia tăng.
Các chuyên gia ước tính có thể có tới 400.000 người Do Thái hiện đang sống ở Ukraine và khoảng 200.000 người được cho là đủ điều kiện để nhập quốc tịch Israel theo luật của quốc gia Trung Đông này, với gần 75.000 người sống ở miền đông Ukraine, khu vực đang diễn ra nhiều căng thẳng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham gia một cuộc họp báo tại Ottawa, Canada vào ngày 5-1. Ảnh: REUTERS
Canada: Các nhà ngoại giao vẫn tiếp tục ở lại Ukraine ở thời điểm hiện tại
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 24-1 cho biết các nhà ngoại giao của nước này và gia đình của họ đang sống ở Ukraine vẫn sẽ tiếp tục ở lại Kiev cho đến khi có thông báo mới, thêm rằng chính quyền Ottawa vẫn đang liên tục xem xét đến sự an toàn của họ.
Khi được hỏi liệu Canada sẽ làm theo Mỹ khi ra lệnh cho gia đình các nhà ngoại giao ở Ukraine nhanh chóng về nước hay không, ông Trudeau cho biết “có nhiều phương án dự phòng đang được đưa ra”, hãng Reuters đưa tin.
“Sự an toàn của các nhà ngoại giao Canada và gia đình của họ tất nhiên là điều rất quan trọng, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên sự an toàn của họ ở Ukraine” - Thủ tướng Canada tuyên bố.
Ông Trudeau nói với các phóng viên rằng ông sẽ thông báo thêm về việc giúp đỡ Kiev nhưng không đưa ra chi tiết.
Trước đó, hôm 21-1, chính quyền Ottawa cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine một khoản vay lên tới 120 triệu CAD (95 triệu USD). Canada hiện có 200 binh sĩ đang đóng quân ở miền tây Ukraine cho các nhiệm vụ huấn luyện. Ngoài ra, nước này còn có hơn 540 binh sĩ đang tham gia một nhiệm vụ của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở Latvia.
Trụ sở Đại sứ quán Anh tại Kiev, Ukraine. Ảnh: RT
Anh ra lệnh rút nhân viên đại sứ quán khỏi Kiev
Cùng ngày, chính quyền Anh đã ra lệnh rút các nhân viên đại sứ quán của mình ở Kiev "để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng" từ Moscow.
Trong một bản cập nhật được công bố trên trang web của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCDO), Bộ Ngoại giao Anh cho biết đã "tạm thời" rút một số nhân viên và những người thân của họ khỏi Kiev.
Theo thông báo mới của FCDO, những người mang hộ chiếu Anh cũng được phép đăng ký sự hiện diện của họ ở nước này, lưu ý thêm rằng đại sứ quán vẫn sẽ tiếp tục mở cửa hoạt động và hỗ trợ cho mọi công dân Anh ở Ukraine.
Trước động thái trên của các quốc gia phương Tây, vào sáng ngày 24-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết Kiev “tôn trọng quyền của các quốc gia nước ngoài trong việc đảm bảo an toàn” cho cơ quan ngoại giao của họ, nhưng gọi đây là bước đi “quá sớm” và “thận trọng quá mức”.