Cuộc chiến "ngầm" hơn một thập kỷ
Tiền thân của Bibica là Công ty Đường Biên Hòa. Năm 1993, công ty bắt đầu sản xuất bánh kẹo với dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ của châu Âu và Đài Loan rồi dần trở thành thương hiệu sản xuất bánh kẹo Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Doanh nghiệp bánh kẹo này được cổ phần hóa từ đầu năm 1999 với số vốn điều lệ ban đầu là 25 tỷ đồng.
Lotte bắt đầu đầu tư vào Bibica từ năm 2007 với chiến lược phát triển công ty lớn mạnh. Giá trị cổ phần của Bibica trên thị trường chỉ khi ấy chỉ rơi vào vào khoảng 70.000 - 80.000 đồng/cổ phần thì Lotte đã mạnh tay chi tới 110.000 đồng/cổ phần để được góp mặt trong cơ cấu cổ đông tại doanh nghiệp bánh kẹo này.
Sau đó, Lotte liên tục mua vào cổ phiếu BBC. Tuy nhiên, sau khi tăng cổ phần sở hữu thì đối tác nước ngoài này lại có những chiến lược phát triển riêng và thể hiện rõ tham vọng biến Bibica trở thành công ty con để tiêu thụ sản phẩm của mình.
Đến năm 2012, Lotte càng thể hiện rõ ý định thâu tóm toàn bộ Bibica bằng việc muốn đổi tên Bibica thành Lotte – Bibica nhưng không thành công do sự phản đối kịch liệt của nhóm cổ đông trong nước. Từ đó mối quan hệ hợp tác giữa Lotte - Bibica chính thức xuất hiện vết nứt và cuộc chiến nội bộ "ngầm" đã được châm ngòi nổ.
Để tránh việc bị Lotte thâu tóm, Bibica đã quyết định bắt tay với nhà đầu tư trong nước là PAN Group và bán 35% cổ phần cho tập đoàn này để làm đối trọng với Lotte trong việc phát triển công ty. Đến tháng 9/2017, PAN Goup nâng tỉ lệ sở hữu lên 50,07% vốn điều lệ Bibica, chính thức trở thành cổ đông lớn nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp này và đưa Bibica trở thành công ty con gián tiếp của mình nhằm thể hiện quyết tâm gìn giữ thương hiệu Việt.
Tính đến thời điểm hiện nay, PAN Group đã nâng sở hữu của mình tại doanh nghiệp này lên tới 58,94% vốn điều lệ, tương đương hơn 11 triệu cổ phiếu BBC.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí vào năm 2019, ông Trương Phú Chiến, Giám đốc Điều hành Bibica khi ấy không hề ngại ngần mà công khai thừa nhận mình “đã nóng vội, không phân tích và đánh giá một cách cẩn trọng khi bắt tay hợp tác với đối tác nước ngoài quá lớn trên nhiều phương diện”, dẫn đến nguy cơ Lotte muốn biến Bibica thành công ty con và muốn xoá bỏ 1 thương hiệu Việt. Câu trả lời trên như một lời ngầm khẳng định cuộc chiến nội bộ thực sự đang diễn ra căng thẳng trong doanh nghiệp bánh kẹo này.
Việc mâu thuẫn nội bộ trên kéo dài cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh, đầu tư và dẫn đến dấu hiệu hụt hơi của Bibica trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu bánh kẹo trong và ngoài nước. Từ đó mang tới kết quả là doanh thu của Bibica giai đoạn 2013 - 2019 chỉ tăng trưởng bình quân 6,1%, thấp hơn mức tăng bình quân của thị trường chung.
Sau rất nhiều biến động và giằng co nội bộ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Bibica, cuối cùng đến ngày 29 tháng 12 năm 2020, tập đoàn Lotte chính thức thông báo đã thoái toàn bộ 6,8 triệu cổ phiếu BBC, tương đương với 44,03% vốn tại Bibica và rút chân hoàn toàn ra khỏi thương hiệu Việt này, kết thúc cuộc chiến cổ đông nội - ngoại ngầm diễn ra trong suốt 13 năm.
Mặc dù từng suýt bị thâu tóm bởi Lotte nhưng cũng không thể phủ nhận toàn bộ những đóng góp mà nhà đầu tư ngoại này đem lại cho Bibica. Với sự phát triển của Bibica ở thời điểm hiện tại khi có nền tảng vững chắc về mặt tài chính trong việc đầu tư xây dựng nhãn hàng, dây chuyền sản xuất và mở đường cho công tác xuất nhập khẩu hàng hoá sang các thị trường ngoại quốc đều nhờ vào sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài trên.
PAN Group hiện đang tiến hành đẩy nhanh quá trình mua lại toàn bộ vốn tại Bibica để trở thành chủ nhân duy nhất tại công ty bánh kẹo này khi mà mới đây Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (MCK: PAN) đã công bố nghị quyết Hội đồng Quản trị về việc phê duyệt phương án chào mua công khai hơn 7,7 triệu cổ phiếu BBC của Công ty Cổ phần Bibica. Nếu giao dịch hoàn tất, PAN Group sẽ thành công nâng sở hữu tại Bibica lên 100%.
Ban lãnh đạo PAN Group lý giải mục đích chào mua toàn bộ lượng cổ phiếu đang lưu hành của Bibica là để nâng tỷ lệ sở hữu và đầu tư lâu dài. Sau giao dịch, tập đoàn dự kiến tiếp tục duy trì hoạt động theo kế hoạch kinh doanh của Bibica đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BBC hiện giao dịch ở mức 63.100 đồng/đơn vị (chốt phiên ngày 22/1) và giá bình quân 6 tháng gần nhất dao động trong khoảng 65.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính PAN Group sẽ phải bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên, chính thức đưa Bibica về chung một chủ.
Tương lai mới nào cho Bibica?
Việc Lotte thoái vốn hoàn toàn, chính thức chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài nhiều năm được kỳ vọng sẽ giúp Bibica bước vào giai đoạn tăng trưởng mới nhờ sự thống nhất trong đường lối chính sách, định hướng phát triển doanh nghiệp, từ đó khẳng định vị thế vững chắc của một thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, ông Trương Phú Chiến – Chủ tịch HĐQT Bibica cũng nhận định doanh nghiệp bánh kẹo sẽ phải đối mặt áp lực cạnh tranh không nhỏ từ nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Kinh Đô, Kido, Hải Hà... khi các doanh nghiệp, tập đoàn này đều đã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh bánh kẹo với vốn đầu tư khủng và định hướng chiến lược cố định xuyên suốt trong khoảng thời gian mà Bibica đang lo lắng giải quyết lục đục nội bộ.
Cùng với đó là áp lực cạnh tranh từ bánh kẹo nhập khẩu ngày càng tăng sau khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực đã cắt giảm hàng rào thuế quan, giúp sản phẩm bánh kẹo từ các nước dễ dàng tràn vào thị trường Việt Nam với nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngay sau khi cuộc chiến cổ đông nội - ngoại kết thúc, Bibica chính thức quay lại đường đua tìm lại bản chất thương hiệu Việt nhưng may mắn đã không mỉm cười với doanh nghiệp này khi sự bùng nổ của các đợt dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 cho thấy doanh nghiệp vừa trải qua một năm kinh doanh khá khó khăn.
Trong quý IV/2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 442 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 74%, xuống chỉ còn 1,9 tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi và tiền cho vay.
Mặc dù trong quý các chi phí đồng loạt giảm như chi phí tài chính giảm 66%, chi phí bán hàng giảm 8% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 13% nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận lãi ròng giảm 49%, xuống mức 17,8 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần và lãi ròng của BBC lần lượt giảm 10% và 77% so với năm trước, xuống còn 1.091 tỷ đồng và 22 tỷ đồng.
Việc suy giảm lợi nhuận cả 4 quý kinh doanh trong năm 2021 cũng khiến hãng bánh kẹo này ghi nhận năm kinh doanh kém hiệu quả nhất trong hơn một thập niên trở lại đây và chỉ tương đương với 1/5 mức lợi nhuận bình quân giai đoạn 2017-2020.
Doanh nghiệp bánh kẹo đặt kế hoạch năm 2021 đem về 1.610 tỷ đồng doanh thu thuần và 100 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy sau 12 tháng, BBC chỉ mới thực hiện được 68% mục tiêu doanh thu và 22% mục tiêu lãi sau thuế 2021.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BBC ghi nhận hơn 1.709 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản chủ yếu là tài sản dài hạn, chiếm 74% tổng tài sản (1.125 tỷ đồng). Trong đó, tài sản dở dang dài hạn (chi phí xây dựng cơ bản dở dang) tăng vọt lên mức 202 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ ghi nhận hơn 2,45 tỷ đồng. Về tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 29% lên gần 162 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm cuối tháng 12/2021 của doanh nghiệp cũng tăng 46%, tổng giá trị gần 652 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản phải trả ngắn hạn khác tăng vọt lên 166 tỷ đồng trong khi đầu năm con số này chỉ ở mức gần 5,7 tỷ đồng, tương ứng tăng lên gấp 29 lần.
Trên thị trường, cổ phiếu Bibica đang giao dịch ở vùng giá 63.100 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 24/1).