Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (HoSE: HT1) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 và năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu quý IV đạt 2.024 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm 1,3% xuống 1.880 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 53% và đạt 144 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 13,9% của cùng kỳ xuống còn 7%.
Trong khi doanh thu tài chính đi ngang và duy trì ở mức không đáng kể, chi phí tài chính giảm mạnh 29% xuống 31,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm lần lượt 42% và 48,6%.
Dù ghi nhận khoản lợi nhuận khác 12,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 4,8 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 chỉ đạt 53,4 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, phần lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm 65,4%, đạt 53,3 tỷ đồng.
Theo giải trình, từ đầu quý IV/2021, nước ta cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn biến biến phức tạp ở một số tỉnh phía Nam làm sản lượng tiêu thụ xi măng giảm 11,5% dẫn tới doanh thu đi xuống.
Bên cạnh đó, giá nguyên nhiên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao... tăng, trong khi Công ty mới chỉ nâng giá bán từ tháng 11/2021.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần đạt 7.064 tỷ đồng, giảm 11,3% so với 2020. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống 12,3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 462 tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2020; Lợi nhuận sau thuế đạt 370 tỷ đồng, giảm 39%. Với kết quả này, Công ty hoàn thành 57% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được giao cho cả năm.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản đạt 8.809 tỷ đồng, giảm 12,2% so với thời điểm đầu năm. Lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 73% xuống còn 296 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 709 tỷ đồng, giảm 7%. Nợ ngắn hạn giảm 32% xuống mức 1.611 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VCBS, sản lượng tiêu thụ xi măng trong nội địa sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.
Ngoài ra, tại Việt Nam, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ tăng mức thuế suất xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo.