Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản xuất gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung trong nước - Ảnh: PVN
Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xăng dầu vào dịp cận và sau Tết Nguyên đán đang chực chờ, khi doanh nghiệp không xoay kịp để nhập khẩu, mặc dù đến nay trên thị trường phân phối, bán lẻ xăng dầu chưa bị nhiều xáo động.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên thị trường đối diện nguy cơ khan hiếm, thiếu hụt xăng dầu do việc giảm sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang giảm tối thiểu 20% công suất sản xuất vì những lý do tài chính. Nghi Sơn đang phải tích cực làm việc với các bên liên quan để có phương án tháo gỡ, nhằm khôi phục lại sản xuất bình thường.
Xác nhận về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết đã nắm thông tin và làm việc với nhà máy cùng các doanh nghiệp liên quan, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường.
Tuy vậy, đến nay phương án giải quyết vẫn chưa rõ ràng, khi việc cắt giảm công suất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn xuất phát từ vấn đề tài chính thay vì những lý do trước đây là bảo dưỡng, khắc phục các vấn đề liên quan đến kỹ thuật của nhà máy.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải tạm dừng nhập khẩu dầu thô phục vụ cho hoạt động, chỉ sử dụng hàng tồn kho để chế biến xăng dầu sản phẩm. Nhiều khả năng nhà máy này sẽ phải dừng hoạt động vào giữa tháng 2-2022 nếu vấn đề tài chính không được các bên liên quan khắc phục, tháo gỡ, nhà máy này không có nguồn dầu thô bổ sung để sản xuất.
Việc cắt giảm sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vốn chiếm tới 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Nguồn cung xăng dầu trên thị trường bán lẻ vẫn chưa bị ảnh hưởng, song các doanh nghiệp lo ngại nguồn hàng đầu vào khan hiếm có thể ảnh hưởng việc cung ứng xăng dầu trong thời gian tới - Ảnh: N.AN
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có hệ thống trên cả nước cho biết tình trạng khan hàng bắt đầu diễn ra khoảng 1 tuần nay, khi Nghi Sơn "nói miệng" là giảm nguồn cung do không thể duy trì chạy hết công suất với lý do không đủ dầu thô. Doanh nghiệp này bị giảm khoảng 45% nguồn cung ứng và phải đối diện với nguy cơ thiếu hàng trong thời gian tới.
"Việc này quá đột ngột với chúng tôi khi mua từ nguồn của Nghi Sơn chiếm tới 40%, trong khi đã cận Tết, việc đàm phán mua bán nhập khẩu xăng dầu rất khó khăn vì sẽ bị ép giá rất cao. Trên thị trường cũng không còn hàng để mua, vì Trung Quốc cắt giảm sản lượng, nên thế giới cũng khan hiếm hàng" - vị này chia sẻ.
Trước tình hình trên, một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường xăng dầu đã có văn bản gửi Bộ Công thương, nêu ra nguy cơ thiếu nghiêm trọng nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đánh giá, việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đột nhiên dừng hoạt động, ngưng cung cấp xăng dầu không có lý do thỏa đáng là "rất nghiêm trọng".
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XV) đã thông qua Nghị quyết phiên họp, trong đó đồng ý cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định.
Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ, báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm; số liệu xử lý bù giá phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay một trong những vấn đề tài chính của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có liên quan đến xử lý tài chính với PVN. Tuy vậy, đến nay lãnh đạo tập đoàn này chưa có phản hồi về thông tin này.
Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh có tổng vốn đầu tư 9 tỉ USD, công suất 10 triệu tấn dầu/năm, đã chính thức đi vào vận hành thương mại từ tháng 12-2018. Chủ đầu tư gồm PVN với hơn 25% vốn, còn lại là các nhà đầu tư nước ngoài như Công ty Dầu hỏa Kuwait quốc tế và Công ty Idemitsu Kosan…
TTO - Liên bộ Công thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h chiều nay 11-1, với mức giá tăng mạnh ở tất cả các mặt hàng.