Phiên giao dịch 25-1 chứng kiến hàng loạt chỉ số chứng khoán đảo chiều bật tăng mạnh - Ảnh: BÔNG MAI
Tiếp nối đà giảm hôm qua, thị trường chứng khoán mở đầu phiên hôm nay trong sắc đỏ và kéo dài trong phần lớn thời gian giao dịch, tuy nhiên từ khoảng 13h30 chiều, chỉ số VN-Index đột ngột lội ngược dòng và bật tăng mạnh.
Thị trường được sự hỗ trợ đồng thuận của hàng loạt cổ phiếu dòng ngân hàng, điển hình là VCB (Vietcombank), BID (BIDV), CTG (Vietinbank), TPB (TPBank), TCB (Techcombank)...
Nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc các ngành khác cũng hợp lực đẩy VN-Index đi lên, gồm VHM (Vinhomes), MSN (Masan), VRE (Vincom Retail), BCM (Đầu tư và Phát triển Công nghiệp)...
Kể cả cổ phiếu dòng thép mới hôm qua còn lao dốc mạnh, sang hôm nay lại được phấn chấn tăng như HPG (Tập đoàn Hòa Phát), HSG (Tập đoàn Hoa Sen), NKG (Thép Nam Kim)...
Dù thị trường chung được đảo chiều bật tăng, trải qua nhiều phiên đầy sóng gió vừa qua, danh mục của không ít nhà đầu tư vẫn chưa khoản tình trạng âm. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu "họ FLC" cũng đang đứng ngồi không yên, tiếp tục "dò đáy".
"Bay cái sổ tiết kiệm rồi. Tết sắp đến mà không vui nổi, cũng không dám nói với ai mình trót sụp hố", anh H. (nhà đầu tư, TP.HCM) buồn rầu chia sẻ.
Trải qua phiên hôm nay, trừ cổ phiếu GAB (Đầu tư Khai khoáng và quản lý tài sản FLC) và ART (Chứng khoán BOS) bị giảm trong sắc đỏ, thì 5 thành viên còn lại thuộc "họ FLC" bị rớt xuống giá sàn xanh lơ.
Cụ thể, 5 mã "họ FLC" bị ế ẩm, rớt xuống giá sàn trong hôm nay gồm: FLC (Tập đoàn FLC) bị giảm sàn xuống mốc 11.200 đồng, mã ROS (Xây dựng FLC Faros) bị giảm sàn còn 7.840 đồng, HAI (Nông dược H.A.I) bị rớt xuống giá sàn 5.450 đồng, AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) bị lao xuống giá sàn 5.570 đồng, KLF (Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS) bị giảm sàn còn 5.400 đồng.
Như vậy chỉ trong vòng nửa tháng kể từ sau vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC, đến nay hàng loạt mã thuộc "họ FLC" đã bị rớt hơn 50% giá trị.
Căn cứ vào dữ liệu giao dịch cũng thấy được thị trường đã chịu áp lực bán của nhiều cổ phiếu khác như VNM (Vinamilk), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), HNG (Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), LDG (Đầu tư LDG)...
Cổ phiếu CII (Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM) nay cũng bị giảm sàn xuống 17.200 đồng, rớt gần 36% giá trị so với đỉnh (7-1). Trước đó mã này từng dậy sóng tăng khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá 2,4 tỉ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, nhưng sau đó bị giảm sâu khi nhà đầu tư hay tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc.
Xét theo chỉ số ngành, nhóm tăng mạnh thuộc về bất động sản, nguyên vật liệu, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, tài chính...
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức tăng 39,87 điểm (+2,77%) lên mốc 1.479,58 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 22.212 tỉ đồng.
Rổ VN30 có mức tăng mạnh hơn, cộng thêm 44,85 điểm (+3,05%) lên 1.516,16 điểm.
Diến biến tích cực cũng đến với sàn HNX và rổ HNX30, khi tăng lần lượt 9,47 điểm (+2,36%) lên 410,23 điểm và 27,42 điểm (+3,89%) lên 731,9 điểm. Riêng sàn HNX có thanh khoản đạt hơn 2.165 tỉ đồng.
Mới hôm qua còn chịu chung cảnh giảm, sang hôm nay sàn UPCoM cũng đảo chiều tăng 1,32 điểm (+1,24%) lên 108,03 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 25.525 tỉ đồng.
Điểm sáng trong ngày là nhà đầu tư ngoại đã quay lại mua ròng hơn 1.200 tỉ đồng.
TTO - Bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán vào tuần trước, 5 ông trùm công nghệ hàng đầu thế giới đã mất 85,07 tỉ USD giá trị tài sản ròng trong vài tuần đầu tiên của năm 2022.