Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 1/2022 về việc phối hợp trao đổi với các cơ quan, tổ chức có liên quan về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo, thống nhất khi trình ra Quốc hội, Bộ Công an tổ chức buổi tọa đàm để trao đổi, giải trình, làm rõ hơn một số nội dung đã được cho ý kiến tại phiên họp đó là sự cần thiết ban hành Luật, thời điểm trình Quốc hội dự án Luật và một số nội dung khác có liên quan đến 2 dự án Luật. Quan điểm của Bộ Công an là trên tinh thần cầu thị lắng nghe, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật báo cáo Chính phủ để xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022).
Toàn cảnh Tọa đàm.
Báo cáo sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an nêu rõ: Việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; để xác định cụ thể, đầy đủ trên cơ sở phân định rõ về vị trí, vai trò, chức năng của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở bảo đảm đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hiện nay, toàn quốc có 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc xây dựng và ban hành Luật còn để thực hiện sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trước năm 2001, các quy định về trật tự, an toàn giao thông, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau được điều chỉnh riêng biệt ở các văn bản dưới luật. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 03 lĩnh vực.
Sau hơn 20 năm kể từ khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, do thực tiễn đã có nhiều vận động, thay đổi, đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn giao thông. An toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung; không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định chính sách về quy hoạch, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng… Như vậy, nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn. Do đó, phải xây dựng, ban hành các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại buổi tọa đàm, đại diện các bộ, ban, ngành cũng đã tham gia đóng góp ý kiến đối với 2 dự án luật.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phát biểu kết luận tọa đàm, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cảm ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu bộ, ban, ngành Trung ương đóng góp vào hai dự án luật đang được dư luận quan tâm. Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn hai dự án luật nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi tọa đàm; bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022.
Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu Ban soạn thảo làm rõ tính cần thiết, nhiệm vụ chính trị, cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng này, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang hướng đến xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu kết luận Tọa đàm.
Đối với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, Luật Giao thông đường bộ 2008 đang điều chỉnh 03 lĩnh vực có nhiều sự khác biệt, tuy nhiên còn bộc lộ nhiều bất cập, khiếm khuyết. Qua tổng hợp ý kiến góp ý tại các buổi tọa đàm, hội thảo, cuộc họp Chính phủ và dư luận xã hội cho thấy sự đồng thuận rất cao về chủ trương tách luật này thành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Trong việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đang hướng đến các giải pháp quản lý nhà nước mang tính đột phá, áp dụng các tiện ích các cơ sở dữ liệu nội ngành và Cơ sở dữ liệu quốc gia mà Bộ Công an đang quản lý, chuyển từ hình thức quản lý thủ công sang quản lý bằng công nghệ. Đây là bước đột phá trong quản lý con người, hướng đến quản lý giấy tờ bằng các phương pháp mới thông quan tiến bộ khoa học kĩ thuật, giảm bớt việc quản lý bằng giấy tờ, tiếp xúc trực tiếp.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tăng cường các cuộc họp, tọa đàm với các bộ, ban, ngành, đồng thời tổ chức hội thảo cấp bộ với các chuyên gia trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, các đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, xây dựng pháp luật; qua đó thu thập thông tin, phát kiến mới để bổ sung, hoàn thiện các dự án luật.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để tập hợp, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.