Nút giao thông An Phú tắc đường triền miên, 3.900 tỷ liệu có thay đổi?
Nút giao thông An Phú là nơi giao nhau của ba hướng giao thông rất quan trọng gồm: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào các cảng biển lớn như Cát Lái, Sài Gòn.
Đây là tuyến đường có lượng giao thông ra vào rất lớn, nhưng tới nay vẫn chưa có cầu vượt hoặc hầm chui.
Tại khu vực này, tình trạng tắc đường nặng nhất luôn diễn ra trên đường Mai Chí Thọ, hướng thành phố Thủ Đức đi hầm sông Sài Gòn và ngược lại. Thời gian chờ đèn đỏ để chạy thẳng vào giờ cao điểm buổi chiều có khi lên đến 150 giây.
Ông Thanh (63 tuổi), một người dân sinh sống ở đường Nguyễn Thị Định, cho hay: “Giao thông ở đây lộn xộn, không ai mà không biết. Mỗi ngày tôi ra công viên đi bộ từ 5h chiều, chứng kiến dòng xe ùn ứ đến 7h tối mới hết”.
Cảnh sát giao thông phải thường xuyên túc trực tại đây để điều tiết luồng xe, nhất là vào giờ cao điểm.
Nhiều người cảm thấy ngao ngán khi phải đứng chờ đèn xanh rất lâu cộng với tiếng còi xe, nắng nóng, khói bụi.
Tình trạng kẹt xe còn gây khó khăn cho việc di chuyển của xe cấp cứu.
Tháng 4/2021, HĐND TP.HCM đã thông qua phương án thiết kế nút giao An Phú. Theo đó, hơn 3.900 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho hạng mục công trình 3 tầng.
Ở tầng thứ nhất, một hầm chui hai chiều sẽ nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Mặt đất sẽ được xây các tiểu đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông, trên cao sẽ là hai cầu vượt.
Ngoài ra, dự án còn xây dựng tuyến nhánh kết nối một làn ô tô giữa chiều đi và chiều về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại vị trí chui dưới cầu Mương Kênh; xây dựng cầu Bà Dạt...
Dưới chân cầu, con đường song hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây được đầu tư hơn 800 tỷ đồng nhằm giảm ùn tắc ở nút giao An Phú vẫn còn ì ạch sau hơn 4 năm thi công. Phần đất đá bị đào bới lổn nhổn gây khó khăn trong việc di chuyển và mất mỹ quan đô thị.
Ông Trương Văn Đào đã sinh sống lâu năm trên mảnh ruộng dưới chân cầu chia sẻ, khi Nhà nước quy hoạch, ông đã nhận được khoản bồi thường rõ ràng. Bây giờ, ông chỉ mong rằng công trình được tiến hành rốt ráo rồi đưa vào hoạt động. Hiện nơi này đã trở thành bãi rác, ngổn ngang vật liệu xây dựng.
Khi nút giao An Phú hoàn thành, các bất động sản ở quận 2 như Centana Thủ Thiêm, Palm City, D’Lusso Emerald... được dự đoán sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
Song song với việc thi công nút giao An Phú, việc mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây lên 8 làn xe, đoạn từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai) dài gần 24 km, cũng đang được xúc tiến.
Phối cảnh nút giao An Phú với 3 tầng xe chạy trong tương lai. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TP HCM.
https://soha.vn/can-canh-nut-giao-duoc-rot-3900-ty-dau-tu-hua-hen-se-khung-va-la-mat-nhat-tphcm-20220125171744239.htmTheo Phùng Tiên - Hoàng Tuấn
Trí Thức Trẻ