Phóng viên: Thưa ông, Bộ Y tế đang sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch. Vậy các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch hiện nay đã không còn phù hợp ở những điểm nào?
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trả lời: Việc sửa đổi hướng dẫn 4800 đánh giá nguy cơ dịch Covid-19 tại các địa phương là hợp lý bởi hiện tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 rất cao. Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%. Hơn nữa, thời gian qua, số mắc Covid-19 phần lớn là nhẹ, trong khi chúng ta đã có kinh nghiệm phòng chống và đầu tư cho hệ thống y tế được tăng lên.
Vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cho phù hợp với tình hình mới.
Theo tôi, khi đánh giá cấp độ dịch trong tình hình hiện nay, không nhất thiết phải chú trọng nhiều tới số ca nhiễm, bởi việc điều trị ca nhiễm triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương. Thay vào đó, cần tập trung chủ yếu vào số ca bệnh nặng phải nhập viện và tỉ lệ tử vong; tiếp đến là chỉ số giường bệnh đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân nặng kèm theo bệnh lý nền, trong đó có giường hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, các cơ sở y tế cũng cần phân theo khả năng đáp ứng của các tầng điều trị theo quy định của Bộ Y tế và xem xét việc đáp ứng ô xy và khả năng tiếp cận của cán bộ y tế cơ sở với bệnh nhân để tránh bệnh nhân chuyển nặng, quá tải hệ thống y tế.
Vấn đề quan trọng là vắc-xin Covid-19, hiện các địa phương đang triển khai tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại, do đó cần có thêm những quy định về tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19.
Khi đánh giá cấp độ dịch chính xác sẽ đưa ra những đáp ứng phù hợp, tránh tình trạng chúng ta không đáp ứng đúng nguy cơ dẫn đến không kiểm soát được dịch nhưng khi phản ứng thái quá sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân,
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trả lời phóng viên Báo Người Lao Động
Thời gian gần đây, một số địa phương đưa ra những quy định phòng chống dịch đối với người dân từ nơi khác đến, trong đó có yêu cầu cách ly 7-14 ngày và thực hiện xét nghiệm trước khi về quê. Điều này có phù hợp trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chấn chỉnh một số sự việc báo chí phản ánh, người dân phản ảnh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp... Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi các địa phương yêu cầu tạo điều kiện cho người dân về quê ăn Tết, cũng như không đưa ra những quy định trái với hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó có đề nghị không cách ly y tế đối với người dân, trừ một số trường hợp thuộc diện theo dõi sức khỏe hoặc đang ở trong khu phong tỏa.
Hiện chúng ta đã chuyển hướng chống dịch từ "Zero Covid", sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch", trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Vì vậy, chính quyền nên tạo điều kiện cho người dân về quê ăn Tết. Việc địa phương buộc những người về quê ăn Tết không mắc Covid-19 phải cách ly tại lán trại của xã dựng lên như báo chí phản ánh là sai quy định và không cần thiết.
Thực tế, trước đó, các địa phương đã phải thu hồi các quy định không đúng với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế trong việc phòng chống dịch.
Ông có lời khuyên như nào đối với người dân khi về quê đón tết mà vẫn đảm bảo an toàn trước dịch bệnh?
Về quê đón Tết là nhu cầu chính đáng của người dân. Trong lúc này dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, người dân cũng đừng vì tiêm vắc-xin mà buông lỏng phòng chống dịch.
Ngày Tết, việc đi lại, gặp gỡ nhiều hơn nên nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn, do đó tốt nhất là hạn chế thăm nom, đi lại không cần thiết, hạn chế tiếp xúc đông người, tổ chức ăn uống linh đình vì quá trình ăn uống không thực hiện 5K, nguy cơ lây nhiễm cao… Đặc biệt, mỗi người cần có ý thức phòng lây nhiễm cho những người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc-xin.
Khi về quên đón Tết, mọi người cần chuẩn bị các kiến thức phòng tránh dịch, khai báo y tế đầy đủ, thậm chí cũng nên chuẩn bị tình huống nếu mình trở thành F0 thì phải xử lý như thế nào?
Ngọc Dung - Nguyên Lâm
NLĐ
Xem thêm: nhc.93065249162102202-yl-hcac-iahp-noc-euq-ev-nad-iougn-hcid-od-pac-aig-hnad-aus/nv.zibefac