Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có thông báo kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về việc một số nghệ sĩ bị tố ăn chặn tiền từ thiện.
Nghệ sĩ bị tố oan
Theo đó, không có chuyện ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Trấn Thành… lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ thiện như lời “buộc tội” trên các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.
VKSND Tối cao cũng xác định việc không khởi tố vụ án hình sự của Bộ Công an là có căn cứ và đúng luật.
Bộ Công an kết luận nhiều nghệ sĩ đã trao gửi số tiền từ thiện lớn hơn số tiền họ đã nhận đến đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi đợt lũ năm 2020.
Ảnh: Tư liệu
Song song đó, các cơ quan tố tụng TP.HCM và Bình Dương đang tích cực xem xét các đơn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Phương Hằng vì hành vi livestream nhục mạ, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm… người khác, gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Cách đây 10 ngày, ngày 17-1, TAND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Phạm Đình Quý hai năm chín tháng tù và Hoàng Minh Tuấn hai năm sáu tháng tù cùng về tội vu khống theo Điều 156 BLHS 2015.
Trước đó, hai người này đã tố ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (hiện là tổng thư ký kiêm chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), đạo văn, gian dối học thuật khi thực hiện luận án tiến sĩ đề tài “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt - bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, bảo vệ năm 2018 tại Trường ĐH Hàng hải Việt Nam; tiêu cực trong công tác cán bộ tại tỉnh Đắk Lắk.
Cáo trạng thể hiện sau khi nhận được đơn tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với Tuấn và thông báo đã có văn bản chuyển đơn đến Ban Tổ chức Trung ương để xem xét, giải quyết; đồng thời yêu cầu Tuấn trong khi chờ kết luận của Ban Tổ chức Trung ương, không được thông tin, phát tán nội dung tố cáo này.
Tuy nhiên, Quý và Tuấn vẫn cố ý bịa đặt, soạn thảo khoảng 200 tờ đơn tố cáo ông Cường đạo văn rồi gửi đến hàng trăm cá nhân, tổ chức, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông Cường.
HĐXX nhận định dù Quý và Tuấn biết rõ nội dung tố cáo ông Cường tiêu cực, đạo văn… là không có căn cứ, sai sự thật nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi, đã phạm vào tội vu khống.
Đề nghị xử lý hình sự bà Phương Hằng về nhiều tội Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra thông báo về việc chấp nhận sự tham gia của các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người đề nghị xử lý hình sự bà Nguyễn Phương Hằng. Những người này đề nghị khởi tố bà Hằng về các tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là năm năm tù); tội vu khống (Điều 156 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là bảy năm tù); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là bảy năm tù). |
Vu khống, xúc phạm danh dự của người khác: Hành vi bị cấm
Luật sư Vũ Phi Long, Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, phân tích: Mọi công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật.
Tuy nhiên, các hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật…; lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, gây rối an ninh trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều bị nghiêm cấm.
“Tội vu khống (Điều 156 BLHS 2015) có hai hành vi phạm tội khác nhau. Một là “bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Hai là “bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”” - LS Long phân tích.
Với hành vi thứ nhất, người tố cáo chỉ cần bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự… Nếu đã phát tán, loan truyền thông tin bịa đặt ra ngoài xã hội (có thể bằng tờ rơi hoặc sử dụng mạng xã hội…) và người bị hại yêu cầu khởi tố thì đã cấu thành tội phạm, không cần phải có yếu tố “tố cáo” và cũng không cần cơ quan chức năng xác định thông tin đó là bịa đặt hay sự thật.
Với hành vi thứ hai thì cần phải có đủ hai yếu tố “bịa đặt người khác phạm tội” và “tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”. Việc bịa đặt trong trường hợp này là người tố cáo phải biết rõ là người bị bịa đặt không có hành vi phạm tội, những tình tiết vụ án không liên quan gì đến người tố cáo nhưng vẫn lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại đến nhân phẩm, danh dự người bị tố cáo. Trường hợp này không cần xem xét đến yếu tố người tố cáo sai sự thật có loan truyền các thông tin đó hay không.
Tội vu khống và tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ
ThS Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, cũng cho rằng để xác định một người phạm tội vu khống cần thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành như sau:
Về ý thức chủ quan: Người thực hiện hành vi biết rõ những nội dung tố cáo, loan truyền, công bố với người khác là không đúng với sự thật (không có chứng cứ chứng minh nội dung tố cáo là thật).
Mục đích của việc đưa ra thông tin phải nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Do vậy, nếu người tố cáo sai sự thật mà không có mục đích này thì không cấu thành tội phạm theo tội danh này.
Về hành vi khách quan, người đó đã thực hiện một trong các hành vi như luật sư Vũ Phi Long phân tích ở trên.
Nếu nội dung tố cáo có phần đúng, có phần sai thì người tố cáo vẫn phải chịu trách nhiệm đối với phần tố cáo sai. Phần tố cáo sai này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi và phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng.
Cũng theo ThS Ngọc Sơn, đối với cấu thành tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS) thì khách thể bị xâm phạm rộng hơn.
Hành vi vi phạm có thể không phải là tố cáo, bị hại có thể không có hành vi phạm tội; người thực hiện hành vi có thể không có mục đích xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự của người khác nhưng đã lợi dụng các quyền tự do (được pháp luật cho phép) để loan truyền những thông tin (có thể đúng, có thể sai) trong cộng đồng hoặc trên các nền tảng mạng xã hội…
“Hành vi đó xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức. Tội phạm này thường có mục đích là kích động người khác cùng tham gia, gây ra những hiểu lầm của cộng đồng đối với người bị xâm phạm…” - ThS Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Cố tình tố bậy người khác phạm tội: Tội vu khống đã rõ Nếu một người tố cáo người khác phạm tội nhưng nội dung tố cáo được các cơ quan có thẩm quyền xác định là sai sự thật thì chỉ có thể khởi tố về tội vu khống khi chứng minh được họ biết rõ bị hại không phạm tội nhưng cố tình bịa thông tin để tố cáo. Đối với trường hợp này, chỉ cần họ thực hiện hành vi tố cáo thì tội phạm vu khống đã cấu thành (không nhất thiết phải loan truyền trên mạng). Tuy nhiên, nếu việc tố cáo sai sự thật là do lỗi vô ý, tức họ không cố tình bịa đặt thông tin người khác phạm tội thì sẽ không cấu thành tội vu khống. ThS TRẦN THANH THẢO, giảng viên Khoa luật hình sựTrường ĐH Luật TP.HCM |