Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10,11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Như vây, so với ngày 25-1, tỉnh Kiên Giang ghi nhận thêm 2 ca nhiễm biến thể Omicron, và Lâm Đồng 1 ca.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết F0 đầu tiên nhiễm chủng Omicron tại cộng đồng là nhân viên vệ sinh buồng phòng tại khách sạn thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định của thành phố.
Thời gian từ 28-12-2021 đến 9-1-2022 có đoàn khách 7 người nhiễm chủng Omicron đến cách ly. Ngày 9-1 bệnh nhân có kết quả dương tính và được cách ly điều trị tại khách sạn từ ngày 9 đến 18-1, hiện đã khỏi bệnh.
Sở Y tế khẳng định kết quả điều tra dịch tễ sơ bộ chưa phát hiện thêm người nhiễm thứ phát, toàn bộ nhân viên khách sạn và người nhà đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TP.HCM tiêm mũi 3 xuyên Tết
Trước các diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, sự xuất hiện biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại (hay còn gọi là mũi 3) để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.
TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Người dân đang ở tại TP bất kể là thường trú hay tạm trú mà có nhu cầu tiêm vắc xin có thể đến bất kỳ địa điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước).
TP sẽ nỗ lực bao phủ vắc xin COVID-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm Hồi sức COVID-19, bệnh viện Dã chiến số 14 (Q. Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu vắc xin ngừa COVID-19
Bộ Y tế cho biết đến nay đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin COVID-19, đã phân bổ trên 195 triệu liều, số còn lại đang đợi các thủ tục về kiểm định chất lượng trước khi phân bổ.
Đến 27-1, cả nước cũng đã tiêm được gần 179 triệu mũi, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 161,5 triệu liều, gồm mũi 1 trên 70,5 triệu liều; mũi 2 là 67,7 triệu liều; mũi bổ sung là 8,33 triệu liều (tiêm cho người có bệnh nền); mũi 3 là trên14,8 triệu liều.
Lực lượng chức năng P. Phố Huế phong toả y tế nhiều khu vực thuộc tập thể Nguyễn Công Trứ thời điểm phát hiện hàng loạt ca nhiễm COVID - Ảnh: NAM TRẦN
Tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam dịp Tết Nguyên đán
Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch gồm thực hiện 5K, khai báo y tế trước khi nhập cảnh và ngay khi về đến địa điểm lưu trú; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử trí theo quy định.
Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống dịch, xét nghiệm trong thời gian người nhập cảnh thực hiện tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú hoặc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Yêu cầu chung về phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh bao gồm:
- Phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ trừ trẻ em dưới 2 tuổi,
- Thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh.
- Khi nhập cảnh Việt Nam cần cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-COVID để khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ theo quy định của Việt Nam (đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì khuyến khích sử dụng).
Người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ, chồng, con) chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ thực hiện tiêm miễn phí trong thời gian thực hiện cách ly (nếu có nhu cầu).
Thực hiện chi trả chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và các chi phí liên quan khác (nếu có) trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Bộ Y tế cũng đưa ra yêu cầu phòng, chống dịch đối với các trường hợp cụ thể như người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19.
Học sinh ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM được xét nghiệm COVID-19 để có thể đến trường từ ngày 20-10 - Ảnh: T.B.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội từ 18h ngày 25-1 đến 18h ngày 26-1, ghi nhận thêm 2.884 ca COVID-19. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm có 112 ca, Đông Anh 108 ca, Chương Mỹ 97 ca, Đống Đa 90 ca, Nam Từ Liêm 84 ca, Hoài Đức 82 ca. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 120.419 ca.
Hà Nội đã ghi nhận 14 ca Omicron gồm 13 ca nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng (ca ngoài cộng đồng đã tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên). Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 của dịch, thành phố đã tiêm được 14.541.317 mũi vắc xin. Từ ngày 27-4 đến nay, tiếp nhận quản lý, điều trị 117.871 bệnh nhân, trong đó hiện đang quản lý, điều trị 45.720 người.
- Ngày 26-1, Sơn La ghi nhận thêm 140 F0. Trong đó có nhiều ca nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao, đặc biệt là ở huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ. Từ ngày 1-1-2022 đến nay, Sơn La đã phát hiện 2.317 ca COVID-19. Hiện toàn tỉnh có 19.953 người đang theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe cộng đồng.
- Từ 6h ngày 25-1 đến 6h ngày 26-1, Quảng Bình ghi nhận thêm 196 ca COVID-19, trong đó có 158 ca cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 860 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 5.977 ca; tổng số ca khỏi là 4.713; toàn tỉnh hiện có 397 ca đang điều trị tại bệnh viện; 7 ca tử vong.
TTO - Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 15.954 ca nhiễm mới, trong đó Hà Nội 2.884. Số ca mắc mới ở TP.HCM tiếp tục giảm với 121 ca, ca tử vong còn 3 ca.