Những ngày này, có nhiều người cảm nhận rõ sự trống vắng khi sửa soạn đón tết bên mâm cơm cuối năm, bởi người thân trong gia đình đã ra đi do dịch COVID-19. Có những người từ trước đến nay chưa từng phải nhận hỗ trợ gì, tết này là lần đầu tiên trong đời họ nhận quà từ các cấp chính quyền, mạnh thường quân… do những mất mát quá lớn trong năm qua.
Một năm chung sống với đại dịch COVID-19 sắp khép lại. Vì dịch, có gia đình đã mất đến tám thành viên, có gia đình chỉ còn độc nhất một người… Nhiều người lao động di cư đến tận giờ này vẫn chưa biết nên về quê hay ở lại TP ăn tết xa nhà…
Thấu hiểu được tình cảnh đó, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đã sớm chủ động có kế hoạch chăm lo tết cho người nghèo, người lao động, người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để mọi nhà, mọi người đều có tết, nhiều chương trình chăm lo tết của các đơn vị ra đời như “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; chương trình “Ấm tình mùa xuân”, “Phiên chợ nghĩa tình” của Liên đoàn Lao động TP.HCM...
Điều đặc biệt là bên cạnh những nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thăm hỏi, tặng quà như mọi năm thì trong kế hoạch chăm lo tết năm nay còn có thêm những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Vì vậy, không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh, thành khác cũng mạnh tay chi vượt mức so với mọi năm trong việc chăm lo tết. Riêng tại TP.HCM, tổng kinh phí chăm lo dịp tết Nguyên đán 2022 là hơn 901 tỉ đồng, tăng 108 tỉ đồng so với tết năm 2021.
Đó là điều cần thiết để động viên người dân sau một năm ít nhiều mất mát do đại dịch.
Người Việt Nam chúng ta ai cũng muốn có cái tết đoàn viên, ai cũng muốn về quê ăn tết cùng đại gia đình. Thế nhưng, dịp tết này có khoảng 1 triệu người lao động ở lại TP.HCM vì không có điều kiện về quê ăn tết. Để người lao động không lẻ loi, ngành công đoàn đã lên chương trình “Công nhân vui tết cùng thành phố”, “Tết sum vầy”… giúp các gia đình công nhân vui tết khi không có điều kiện về quê.
Càng gần tết Nguyên đán, danh sách số người được chăm lo tết càng dài ra vì phải bổ sung các F0 cần được chăm lo. Thế nhưng, các cán bộ không vì thế mà thấy nhọc lòng. Nhiều người còn tận dụng các mối quan hệ của mình để xin thêm quà tết cho người dưng. Nhiều chủ doanh nghiệp dù năm qua vật lộn với vô vàn khó khăn cũng đã gác lại bộn bề để đi khắp nơi trao quà hỗ trợ.
Những ngày này, đi dọc các tuyến đường TP sẽ không khó nhận ra các nhóm thiện nguyện mang những phần quà tết trao cho người mưu sinh trên đường phố, người neo đơn… Trong số người đi trao, có cả những người đã vừa mất người thân do dịch. Hạnh phúc không chỉ là sự đón nhận mà còn là được sẻ chia.
Khó có thể kể hết các con số, các chương trình chăm lo tết năm nay. Điều nhận thấy rõ nhất là ngoài kia đang có rất nhiều người, nhiều đơn vị, tổ chức thấu hiểu và chia lửa để cùng nhóm một cái tết ấm với người nghèo, người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Sau những khó khăn, mất mát, chúng ta cùng nhìn lại, sưởi ấm lòng nhau, tin vào sức khỏe khi độ phủ vaccine đã đủ rộng, tin vào nền kinh tế hậu COVID-19 được vực dậy để lạc quan và vững tin bước vào năm mới.