Giai đoạn sau nhận thưởng Tết được cho là vô cùng nhạy cảm khi những lá đơn xin nghỉ việc bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều ở hầu hết các công ty. Đa số nhân viên đều quyết định từ bỏ công việc hiện tại sau khi đã nhận thưởng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho bản thân.
Hành động này vô hình chung khiến họ bị gán mác “ăn cháo đá bát", “vong ơn bội nghĩa", vừa nhận thưởng đã “dứt áo ra đi". Thế nhưng, liệu định kiến này có thực sự công bằng cho những nhân viên đó hay không?
Lý do tháng Một là thời điểm nghỉ việc thích hợp
Theo Văn hóa phương Đông, năm mới chính là khởi đầu mới nên thời điểm này luôn được nhiều người lựa chọn để thay đổi môi trường làm việc. Tạp chí Forbes cho rằng hành động này hoàn toàn dễ hiểu khi người lao động muốn khép lại năm cũ bằng những dự định, kế hoạch mới. Họ muốn một công việc tốt hơn, tương lai sáng sủa hơn.
Bên cạnh đó, giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ cũng là lúc hầu hết người lao động nhận được đầy đủ các khoản thưởng, chẳng hạn như lương tháng 13, thưởng doanh thu, hoa hồng… sau một năm cống hiến miệt mài. Khi đã cầm chắc trong tay đầy đủ khoản tiền cố định chỉ có vào giai đoạn cuối năm này, suy nghĩ “nhảy việc” ngay lập tức xuất hiện.
Giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ là lúc hầu hết người lao động được nhận đầy đủ các khoản thưởng
Hơn nữa, thời điểm sau Tết thường là lúc các doanh nghiệp chuẩn bị một mùa tuyển dụng sôi nổi. Người tìm việc lúc này có thể dễ dàng lựa chọn bến đỗ mới đáp ứng được các yêu cầu của họ. Chính điều này khiến tỷ lệ nhân viên quyết định nghỉ việc trước Tết tăng cao đột biến.
Bên cạnh đó, theo ông Jack Kelly, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, lý do nhiều người lựa chọn nghỉ việc sau khi nhận thưởng còn đến từ tâm lý “cảm thấy bất công". Họ không hài lòng với chính sách đãi ngộ của công ty và nghĩ rằng chúng quá bèo bọt so với công sức mình bỏ ra trong suốt một năm.
Thông thường, các doanh nghiệp tài chính Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn lớn đặt trụ sở tại Phố Wall đều có chính sách thưởng cuối năm vô cùng hậu hĩnh. Chính vì vậy, để hạn chế tối đa tình trạng nhân viên nghỉ việc ồ ạt, họ quyết định trì hoãn kế hoạch phát “lương thứ 13” sang giữa tháng Ba. Như vậy, lựa chọn nghỉ việc trước kỳ nghỉ lễ đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn chính sách đãi ngộ.
“Ăn cháo đá bát" hay “cho bản thân cơ hội tốt hơn"?
Dù bản thân người đi làm có đầy đủ những lý do chính đáng trên để quyết định nghỉ việc sau nhận thưởng, song ít có công ty nào hiểu được cho họ. Việc đột ngột mất nhân sự khiến bộ máy vận hành bị xáo trộn ngay thời điểm doanh nghiệp quay trở lại guồng hoạt động sau Tết. Nếu đó là những vị trí nhân sự đòi hỏi kinh nghiệm và đào tạo bài bản, doanh nghiệp sẽ càng thêm đau đầu.
Nhiều người coi việc nghỉ việc sau khi nhận thưởng là chuyện bình thường
Điều này làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều về quyết định nhảy việc của nhân viên sau khi nhận thưởng Tết. Có người cho rằng hành động này thể hiện sự “ăn cháo đá bát”, tạo áp lực lên doanh nghiệp vốn đã đồng hành gắn bó; rằng quyết định này là ích kỷ, bội bạc với những người vừa trả lương, trả thưởng cho bạn mới đây.
Trong khi đó, nhiều người lại coi việc nhận thưởng sau một năm cống hiến vất vả là chuyện đương nhiên. Việc “dứt áo ra đi" sau khi nhận thưởng chỉ là do công ty không đáp ứng được kỳ vọng của người lao động.
Thưởng Tết không phải sự ràng buộc
Thế nên, không thể coi thưởng Tết như một kiểu ràng buộc giữa người lao động và doanh nghiệp, càng không thể lấy hai chữ "tử tế" để đánh giá quyết định nghỉ việc của họ.
Có chăng, “ăn cháo đá bát” hay không chỉ phụ thuộc vào cách ứng xử khi nộp đơn nghỉ việc. Nếu bạn thông báo rõ ràng, hoàn thành đủ trách nhiệm bàn giao công việc và thực hiện đúng nghĩa vụ đến giây phút cuối cùng, chắc chắn, chẳng ai trách móc được bạn. Vì suy cho cùng, ai cũng muốn tìm kiếm một công việc với mức lương xứng đáng.
Không thể coi thưởng Tết như một kiểu ràng buộc giữa người lao động và doanh nghiệp
Bạn nên thông báo nghỉ việc và hoàn tất quá trình bàn giao trong vòng từ 30 – 45 ngày để công ty có đủ thời gian tìm kiếm và đào tạo nhân sự mới. Thời gian này công ty vẫn trả lương và làm đúng các nghĩa vụ với bạn, nên bạn cũng cần thực hiện đúng nghĩa vụ với công ty. Đừng nên buông xuôi, chểnh mảng vì tặc lưỡi cho rằng “đằng nào chả nghỉ". Cũng đừng vì bức bách, chán nản môi trường làm việc cũ mà thái độ thiếu chuyên nghiệp, hành xử thiếu văn minh.
Theo: Forbes, Tổng hợp
http://tintuc.vdong.vn/01/1201933.htmHuệ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.59275750172102202-tab-ad-oahc-na-al-ioc-ib-oc-tet-gnouht-nahn-ihk-uas-ceiv-ihgn/nv.zibefac