Diem, một sáng kiến tiền mã hóa từng có tên Libra và do Meta (trước kia là Facebook) đứng sau, đang xem xét bán tài sản nhằm hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư thành viên, theo nguồn tin riêng của Bloomberg. Cụ thể hơn, Diem đang thảo luận với các nhân viên ngân hàng đầu tư về cách thức tốt nhất để bán lại tài sản sở hữu trí tuệ của mình và tìm kiếm nơi làm việc mới cho các kỹ sư phát triển công nghệ.
Vào năm 2019, khi Facebook lần đầu tiên hé lộ ý tưởng phát hành stablecoin (tiền mã hóa được đảm bảo bằng tài sản ổn định) riêng của mình với mục tiêu tạo ra cuộc cách mạng trong dịch vụ tài chính toàn cầu, tập đoàn mạng xã hội này cũng thông báo hợp tác với hàng chục công ty khác. Tuy nhiên, hiệp hội này không đủ để tránh con mắt dò xét từ giới quản lý khắp thế giới. Sau khi Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ về dự án, một số đối tác đã từ bỏ dự án này; dự án sau đó đổi tên thành Diem.
Tham vọng của Diem dần bị thu hẹp và nhà sáng lập dự án David Marcus rời Meta vào cuối năm 2021. Hiệp hội của Meta đạt được thỏa thuận với Silvergate Capital Corp. để phát hành Diem, nhưng ý kiến phản đối từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đặt dấu chấm hết cho nỗ lực này.
Vào tháng 5/2021, Diem cho biết ngân hàng Silvergate Bank, trực thuộc Silvergate Capital, sẽ là đơn vị phát hành stablecoin Diem USD với giá trị được bảo đảm bằng USD. Sau một thời gian tranh cãi dài giữa những người ủng hộ Diem và giới quản lý, cuối cùng Fed thông báo với Silvergate vào mùa hè 2021 rằng cơ quan này không thoải mái với kế hoạch phát hành Diem và không thể bảo đảm rằng Fed sẽ cho phép hành động đó, theo các nguồn tin của Bloomberg.
Không có sự cho phép từ giới quản lý, Silvergate không thể phát hành loại tiền mã hóa mới mà chắc chắn rằng Fed sẽ ra tay trừng phạt mình, và do đó Diem vẫn không có đồng tiền mã hóa của mình. Fed, Hiệp hội Diem và Meta không có bình luận.
Vẫn chưa rõ liệu bên mua tiềm năng sẽ xác định giá trị tài sản sở hữu trí tuệ và các kỹ sư phát triển công nghệ của Diem như thế nào. Nguồn tin của Bloomberg cảnh báo rằng quá trình thương lượng vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa có gì bảo đảm Diem sẽ tìm được bên mua.
Meta sở hữu khoảng 1/3 vốn đầu tư và phần còn lại được sở hữu bởi các thành viên Hiệp hội, theo một nguồn tin. Trang web của Diem cho thấy các đối tác bao gồm những công ty đầu tư mạo hiểm như Andreessen Horowitz, Union Square Ventures, Ribbit Capital, Thrive Capital và quỹ đầu tư của chính phủ Singapore Temasek. Bên cạnh đó, đối tác của Diem còn có Coinbase, Uber và Shopify.
Vào tháng 11/2021, giới quản lý tại Mỹ đã làm rõ lập trường của mình về stablecoin. Theo Nhóm làm việc về Thị trường Tài chính của Tổng thống Mỹ , đơn vị phát hành stablecoin nên là ngân hàng được quản lý nếu token được dùng làm phương tiện mua bán tài sản. Nhóm này cũng cho rằng việc một mạng lưới lớn người dùng bắt đầu sử dụng tiền mã hóa của một công ty công nghệ để giao dịch có thể dẫn đến hậu quả khó lường, và sự kết hợp của một đơn vị phát hành stablecoin với một tập đoàn lớn “có thể dẫn đến tập trung quyền lực kinh tế quá mức”.
Tùng Phong (Theo Bloomberg)