Báo cáo mới nhất công bố ngày 27/1 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Con số này vượt khá xa mức tăng trưởng 2,3% trong quý III/2021, cũng như kết quả cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành là 5,5%.
Đầu tư vào kho dự trữ hàng hóa chiếm phần lớn trong mức tăng GDP của quý IV/2021. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ - vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế - sau khi tăng vọt trong tháng 10 đã bị hạn chế bởi tình trạng thiếu phương tiện cơ giới và nhiều loại hàng hóa khác, bên cạnh mức lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Tính chung cả năm, kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,7% - mức cao nhất kể từ năm 1984 tới nay và đảo chiều ấn tượng từ mức giảm sâu nhất trong 74 năm là 3,4% vào năm 2020.
Đà tăng trưởng năm ngoái được thúc đẩy bởi các chính sách kích thích tài khóa lớn cũng như lãi suất thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, đà tăng dường như đã giảm dần vào tháng 12/2021 khi biến thể Omicron của virus gây dịch COVID-19 đẩy số ca nhiễm mới đi lên và khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, cũng như làm gián đoạn hoạt động tại các nhà máy và doanh nghiệp dịch vụ.
Mức tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2021 sẽ hỗ trợ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện mục tiêu tăng lãi suất vào tháng Ba tới.
Trước đó, trả lời các phóng viên vào ngày 26/1 sau khi cuộc họp chính sách mới nhất kết thúc, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng nền kinh tế không còn cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nữa và tình hình sẽ sớm thích hợp để tăng lãi suất.
Bất chấp các số liệu dự kiến không mấy mạnh mẽ trong quý I/2022 do những thách thức dai dẳng từ đại dịch, lạm phát phi mã, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và kế hoạch tăng lãi suất sắp tới của Fed, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể tăng trưởng 3,9% trong năm nay theo một số ước tính của giới chuyên gia.
Xem thêm: mth.27475022272102202-yk-paht-4-nag-gnort-tahn-tot-gnourt-gnat-1202-man-ym-et-hnik/nv.zibmanteiv