Năm 2022, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến hoạt động vận tải bị đứt gãy, hàng hóa mắc kẹt. Người lao động ngành Giao thông Vận tải đã có những cố gắng, nỗ lực hết sức mình để duy trì khơi thông “dòng chảy” hàng hóa thông suốt, tăng tốc đẩy nhanh các dự án giao thông.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải TPHCM - ông Phạm Huy Toàn, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 7.2021 tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa khiến lượng hàng tồn tại cảng Cát Lái tăng lên nhanh chóng, ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng, tăng chi phí logistics và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để “giải cứu” cho cảng Cát Lái trước nguy cơ tạm ngừng hoạt động tiếp nhận tàu do dung lượng tồn hàng tại cảng vượt quá công suất, đơn vị đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, làm việc không kể ngày đêm.
Các cuộc họp có thể tổ chức luôn trong đêm nếu có vấn đề nổi cộm. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Sang (hiện là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) trực tiếp đứng đầu Sở chỉ huy tiền phương được thành lập ngay tại TPHCM để làm việc với trên 500 doanh nghiệp đang có hàng nghìn container tồn đọng nhằm xác định loại hàng, khối lượng hàng, vướng mắc để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Với sự vào cuộc quyết liệt, sau khoảng một tuần, hàng hóa qua cảng Cát Lái cơ bản được điều tiết, lượng hàng tồn tại bãi xuống 82,5%, đạt ngưỡng an toàn để tiếp nhận hàng hóa (dưới 85%).
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - ông Hoàng Hồng Giang, để kịp thời đón nhận cơ hội và đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, năm 2022, Cục Hàng hải cũng sẽ chỉ đạo xuyên suốt khi nào còn COVID-19 thì các doanh nghiệp cảng biển, cảng vụ còn phải chuẩn bị, dự phòng kịch bản điều tiết hàng hóa giữa các bến cảng, tuyệt đối không để cảng tắc, chuỗi cung ứng đứt gãy.
Thực tế trước đó do lo ngại dịch COVID-19 nguy cơ lây lan vào địa phương, một số tỉnh thành như Hải Phòng, Cần Thơ đã quyết định “ngăn sông cấm chợ” khiến xe chở hàng hóa “chôn chân” trên các tuyến quốc lộ gây ùn tắc kéo dài. Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể theo đó phải yêu cầu lập “luồng xanh”, đấu nối với “luồng xanh” quốc gia, tạo mọi điều kiện thuận tiện, nhanh chóng nhất cho doanh nghiệp và lái xe vận chuyển hàng hóa.
Đồng thời đề nghị các địa phương rà soát lại các văn bản đã ban hành. Văn bản nào làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” phải dừng áp dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hóa.
Khi dịch COVID-19 dần dần được kiểm soát, Bộ GTVT tiếp tục ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực gồm đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải. Một thành viên cho biết, có những ngày, các thành viên trong Tổ biên soạn thuộc Bộ GTVT chỉ ngủ được độ chừng 3 tiếng bởi liên tục phải hoàn thiện các quy định, hướng dẫn nhằm phù hợp trong tình hình dịch.
Thậm chí, nhiều chuyên viên của các cục, vụ trực thuộc Bộ GTVT coi văn phòng làm việc là nhà. Có khi, bữa ăn chỉ là chiếc bánh mỳ, gói mỳ tôm để mau chóng vào công việc.
Chia sẻ với PV Báo Lao Động, một thành viên trong Tổ biên soạn nhớ như in lần làm quyết định ban hành hướng dẫn tạm thời về vận tải đường bộ, có những hướng dẫn làm đi làm lại bản nháp tới cả chục lần để làm sao các quy định, hướng dẫn về kiểm dịch triển khai đi sát vào thực tế tình hình dịch và đảm bảo tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Khi hoàn thành hướng dẫn, đồng hồ cũng chạm ngưỡng 0h của ngày mới.
Đại diện Bộ GTVT cho hay, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, các công trường thi công các dự án giao thông trải dài khắp đất nước vẫn không ngưng nghỉ ngày nào. Những khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, hỗ trợ tổ chức thi công của các dự án đã được tháo gỡ kịp thời. Đến nay, tiến độ các dự án giao thông trọng điểm đều đang bám sát kế hoạch. Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải được giao giải ngân vốn đầu tư công hơn 43.000 tỉ đồng và đã nỗ lực giải ngân đạt mức 96%, hoàn thành kế hoạch được Chính phủ giao.
Xem thêm: odl.043799-91-divoc-hcid-mat-auig-tek-cam-aoh-gnah-uuc-iaig-neyuhc/et-hnik/nv.gnodoal