Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải
Vượt qua thử thách dịch bệnh vừa rồi cho thấy rất rõ sự cống hiến, hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở nhưng cũng thấy rõ một số hạn chế, bất cập của bộ máy. Qua đó càng cho thấy tính cấp thiết trong việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải
Ông Nguyễn Hồ Hải là người được phân công trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị cơ sở tham gia công tác phòng chống dịch.
Ưu, khuyết cán bộ lộ rõ sau đại dịch
* Đúng như ông nói, 2021 là năm đầy biến động, khó khăn "lửa thử vàng" cho toàn hệ thống chính trị TP.HCM. Sau trận chiến cam go, ông có thể nói rõ hơn những ưu, khuyết điểm của cán bộ, công chức được nhìn thấy?
- Trong đại dịch hiểm nguy, khó lường, nhiều cán bộ, người đứng đầu các cấp đã có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua thử thách, không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, tình nguyện ra tuyến đầu lúc dầu sôi lửa bỏng. Cũng từ đây nhận thấy sự nỗ lực, cống hiến, lăn xả của đội ngũ cán bộ ở cơ sở là rất lớn và có ý nghĩa rất tích cực.
Nhưng dịch bệnh cũng chỉ ra sự lúng túng trong chỉ đạo điều hành ở một số địa bàn. Vẫn còn một số cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, tâm huyết, thiếu bản lĩnh, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, né tránh, ngại khó, ngại khổ, mặc dù đây chỉ là thiểu số.
Trong những thời điểm khó khăn, khốc liệt, sự chăm lo về vật chất, tinh thần cho cán bộ có lúc có nơi chưa kịp thời dẫn đến quá tải, suy kiệt, có người giảm sút nhiệt tình, hăng hái thực thi nhiệm vụ.
* Nguyên nhân nào dẫn đến những ưu, khuyết điểm như ông nói?
- Có rất nhiều nguyên nhân. Về khách quan, TP.HCM có những xã, phường rất đông dân, độ nén cao nhưng việc thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy ở cơ sở theo quy định làm nhiều nơi thiếu hụt cán bộ nghiêm trọng, dẫn đến quá tải khi xảy ra đại dịch.
Còn chủ quan, do thời gian qua có nơi chưa xem trọng đúng mức việc kiện toàn về tổ chức, đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là ở khu phố và tổ dân phố.
Nhiều nơi còn thiếu người, có nơi bố trí nhiều cán bộ lớn tuổi làm trưởng khu phố, tổ trưởng dân phố, một số nơi lực lượng này chưa được tổ chức chặt chẽ và không chọn được nhân sự, phương pháp thực hiện chưa phù hợp nên chưa phát huy đầy đủ năng lực để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách tại địa bàn.
Một hộ gia đình cách ly y tế ở phường 1, quận 6, TP.HCM được trao tận nhà tiền hỗ trợ đợt 3, thuốc điều trị và nhu yếu phẩm - Ảnh: T.TRUNG
Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở
* Có ý kiến cho rằng những khuyết điểm đó do khối lượng công việc dồn xuống cơ sở rất nhiều, trong khi lực lượng được phân bố lại mỏng, thiếu?
- Đúng là suốt thời gian cao điểm của dịch bệnh, rất nhiều công việc đã dồn xuống cơ sở, trong đó có những việc gắn chặt với đời sống người dân. Thực tiễn cho thấy các hạn chế về lực lượng, cách thức vận hành... đã bộc lộ khá rõ nét.
Như vậy, các hạn chế trên là có thật nhưng cũng phải chú ý đến vấn đề tổ chức, xây dựng lại đội ngũ bằng những cách thức phù hợp với thực tiễn từng địa phương, chứ không phải chỉ nằm ở chỗ số lượng mỏng và thiếu. Đó là những vấn đề đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm điều chỉnh thời gian tới.
Lực lượng chức năng trao quà cho người dân trong đại dịch - Ảnh: TỰ TRUNG
* Quan tâm điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Lãnh đạo TP luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đợt bùng phát lần thứ tư với biến chủng Delta xảy ra quá nhanh, quy mô quá lớn, sự điều chỉnh ở nhiều nơi chưa kịp thời và phù hợp nên áp lực và trách nhiệm đối với cán bộ cơ sở là rất lớn.
Vừa qua, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các quận huyện và TP Thủ Đức rà soát tình hình hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, kể cả bộ máy của các trạm y tế, đội ngũ cán bộ khu phố, tổ dân phố, cơ chế trao đổi thông tin, việc xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt...
Thành ủy đã ban hành và sẽ tập trung hiệu quả việc triển khai kế hoạch củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở.
Theo đó, quy định cụ thể các mối quan hệ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách tiếp tục phát huy mô hình quản lý dưới phường, xã, thị trấn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sở Y tế TP đang tham mưu củng cố hệ thống y tế cơ sở nhằm chăm lo tốt về y tế cho người dân và ứng phó hiệu quả với những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Cũng phải khách quan đánh giá năng lực thực hiện của một bộ phận cán bộ ở cơ sở là khá tốt, vấn đề là phải có giải pháp tổ chức, huy động, chế độ động viên, đãi ngộ... để họ tận tâm cống hiến cho công việc chung.
Trao quà hỗ trợ trẻ em có người thân mất trong đại dịch tại quận Tân Phú - Ảnh: TỰ TRUNG
* Ông nói phải xem lại vấn đề tổ chức, xây dựng lại đội ngũ bằng những cách thức phù hợp từng địa phương, chứ không phải chỉ nằm ở chỗ số lượng mỏng và thiếu. Ông có thể khái quát vài giải pháp quan trọng mà TP đã và đang thực hiện?
- Khi lực lượng mỏng, thiếu đòi hỏi phải có những cách thức tổ chức, vận hành bộ máy hiệu quả hơn. Chẳng hạn việc sử dụng mạng xã hội để kết nối người dân và các nhóm cụ thể đã được thực hiện khá tốt, nhờ đó tiếp nhận và trao đổi thông tin hai chiều khá nhanh chóng, tiện lợi.
Hay việc tuyên truyền, vận động thông tin trên mạng xã hội và mạng Internet cũng được thực hiện rất tích cực, giúp người dân nắm bắt tình hình và các cách thức phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả...
Qua đợt dịch vừa qua cũng cho thấy rằng có những cách làm tích cực, giải pháp mạnh mẽ, táo bạo có thể tổng kết để phát huy. Lấy ví dụ như việc xây dựng trạm y tế lưu động bước đầu do lực lượng quân y làm nòng cốt nhưng dần dần có thể chuyển giao cho đội ngũ trạm y tế phường, xã làm.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ nhân viên y tế ở các đơn vị tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ hưu, tình nguyện viên... Hay việc phân công cán bộ các cơ quan TP và quận huyện về hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở cơ sở, cũng như việc huy động đội ngũ cán bộ, công chức tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch cũng có tác động rất tốt đến nhiều mặt...
Nói tóm lại, cần sự chủ động, linh hoạt trong ứng phó với tình hình theo các kịch bản khác nhau chứ không cứng nhắc, thụ động.
* Năm 2022, Thành ủy TP.HCM đặt ra chủ đề "Đẩy mạnh, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên". Chủ đề này được hiểu như thế nào và thực hiện ra sao, thưa ông?
- Thành ủy muốn nhấn mạnh đến vai trò của từng cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong bối cảnh TP đồng thời phải kiểm soát tốt dịch COVID-19 và tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ mà năm 2021 chưa thực hiện đầy đủ, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ, sự quyết tâm mạnh mẽ, sự hy sinh lớn lao, sự nêu gương tích cực của tất cả cán bộ, đảng viên các cấp.
Chính điều đó sẽ có sức lan tỏa, truyền cảm hứng, dẫn dắt, định hướng nhân dân TP thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2022 trong bối cảnh TP có rất nhiều khó khăn, thách thức.
TTO - Phó giám đốc điều hành HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết số ca mắc Omicron trong cộng đồng đã dừng lại, không phát hiện thêm ca mới. Với chùm ca nhiễm này, TP cơ bản khống chế được Omicron trong cộng đồng.