Một số luật sư cho rằng, cần phải chứng minh được người tố cáo sai sự thật các ca sĩ Thuỷ Tiên, Đàm Vĩnh Hưng gian dối từ thiện. Trừ khi chứng minh được các hành vi như: biết sai vẫn loan tin, bịa đặt, xúc phạm danh dự... mới có cơ sở xử lý hình sự.
Liên quan việc tố giác một số nghệ sĩ (Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng...) thiếu minh bạch trong việc vận động và sử dụng tiền từ thiện đợt mưa lũ năm 2020, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Theo lãnh đạo Cục, đơn vị xác định những người này không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp nên không có dấu hiệu phạm tội.
Quá trình rà soát, cơ quan chức năng làm rõ lượng tiền vào tài khoản từ thiện còn ít hơn số tiền mà các cá nhân trao đến cho người dân. Những kết quả điều tra này dựa trên xác nhận của các địa phương.
Trong ngày 26.1, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh nhận 6 đơn tố giác bà Phương Hằng về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Những người tố giác gồm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh (chồng ca sĩ Thủy Tiên), nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni và bà Đinh Thị Lan.
Từ thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi liệu có thể xử lý các cá nhân tố giác, trong đó có bà Nguyễn Phương Hằng, về tội Vu khống không?
Sau khi thông tin này được công bố, Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự) cho biết cơ quan này chưa có căn cứ để giải quyết các nội dung liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục nhấn mạnh trường hợp bà Hằng xảy ra ở TPHCM và Bình Dương nên theo quy định, các địa phương này sẽ tiếp tục xử lý.
Theo dõi sự việc, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, người dân có quyền tố cáo, tố giác tội phạm khi họ thấy có dấu hiệu người phạm tội.
Tuy nhiên, trong trường hợp trên, việc nữ doanh nhân Phương Hằng tố cáo, cơ quan điều tra khi xác định hành vi đó là chưa chính xác thì sẽ chuyển vụ việc sang khiếu nại, khởi kiện dân sự.
Khi đó, người bị tố cáo có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại về vật chất, tinh thần khi bị tố cáo không đúng. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét để người tố cáo không đúng bồi thường.
Luật sư Long nhấn mạnh, trường hợp xử lý hình sự với người tố cáo không đúng về tội Vu khống khi có "hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra" như: người bị tố cáo tự tử...
Song, còn một trường hợp có thể xử lý tội Vu khống, khi người tố cáo tiếp tục các hành vi bôi nhọ, thông tin sai về sự việc đã được cơ quan công an kết luận.
Luật sư Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư Hà Nội cùng quan điểm với đồng nghiệp rằng, những hành vi trong vụ việc tới thời điểm hiện tại chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự tội Vu khống.
Theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, người vu khống là người biết rõ những thông tin mình lan truyền là bịa đặt những vẫn thực hiện nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.
Như vậy, để có căn cứ xử lý tội Vu khống, phải chứng minh được bà Nguyễn Phương Hằng biết những thông tin mình lan truyền là sai trái nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Theo luật sư Tiến, trường hợp chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, người tố cáo sai có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải công khai xin lỗi người có danh dự, nhân phẩm bị ảnh hưởng bởi hành vi của họ.