Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 1 diễn ra ngày 28/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày đánh giá những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh và tình hình biến động quốc tế, khu vực. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, phải khẩn trương, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành bắt tay ngay vào công việc ngay sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, không có tâm lý "Tháng giêng là tháng ăn chơi". Các bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có kế hoạch chuyển vốn sang các công trình có tiến độ thực hiện nhanh đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông…
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Minh Đức – TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, những kết quả đạt được tháng 1/2022 là thành quả của việc chuyển đổi phương thức phòng, chống dịch theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" và tiêm chủng vaccine thần tốc, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội được tổ chức trở lại.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản tăng 0,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt. Tính đến 25/1/2022, huy động vốn tăng 0,74%, tín dụng tăng trưởng 1,92% so với cuối năm 2021, lãi suất liên ngân hàng trong kỳ có xu hướng tăng nhẹ.
Ước tính đến 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 2,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 3,25%).
Tính đến 20/1/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn FDI trong tháng đạt ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tiếp tục tăng. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định.
Tháng 1 ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, thể hiện kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%, riêng ngành khai khoáng giảm 4,6%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2022 ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6%; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5%. Nhập siêu tháng 1 ở mức 500 triệu USD. Các cơ quan chức năng và địa phương đã giải quyết hiệu quả việc xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ phía Bắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.86793548182102202-ioh-cuhp-oad-yuq-oeht-cut-peit-av-cas-iohk-ioh-ax-et-hnik/et-hnik/nv.vtv