Tiêm vắc xin Pfizer mũi 3 cho người dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 21,2%, số ca tử vong giảm 7,5%, số ca khỏi bệnh tăng 6,2%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 3,4%, số ca nặng, nguy kịch giảm 11,6%.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc trong 1 tháng
Bắt đầu từ hôm nay 29-1 đến hết ngày 28-2, Bộ Y tế sẽ tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 thần tốc mùa xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em, người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm.
Đây là nội dung triển khai chiến dịch tiêm chủng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 của Bộ Y tế.
Theo kế hoạch, chiến dịch được triển khai trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tuyệt đối không để lãng phí.
Triển khai chiến dịch đảm bảo tiêm chủng theo đúng số lượng vắc xin COVID-19 đã được cấp, không để lãng phí vắc xin.
Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường 3, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Có thể ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng dịp Tết
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 ca Omicron, trong đó có 6 ca phát hiện trong nước tại TP.HCM (5), Hà Nội (1) và 160 ca nhập cảnh từ 22 quốc gia trên 49 chuyến bay và qua 1 cửa khẩu đường bộ (Mộc Bài - Tây Ninh). Các hành khách đi cùng đã được cách ly, theo dõi, quản lý ngay khi nhập cảnh, sức khỏe ổn định.
So sánh giữa tháng 1-2022 và tháng 12-2021, số ca tử vong/100.000 dân của tháng 1-2022 ghi nhận là 5 ca (giảm 2 ca so với tháng trước).
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron.
Trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).
Tình nguyện viên sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển tới những con ngõ nhỏ, ngách bé... để phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Lần đầu tiên đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn mới, Hà Nội chỉ còn 13 xã phường "vùng cam"
Hà Nội vừa có thông báo đánh giá cấp độ dịch mới. Đây là lần đầu tiên Hà Nội đánh giá cấp độ dịch quy mô xã, phường theo Quyết định 218 của Bộ Y tế ban hành ngày 27-1 (4800 sửa đổi) hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo đó, hiện Hà Nội có 517 xã phường đạt cấp độ 1 (tương ứng với màu xanh, nguy cơ thấp), 49 xã phường đạt cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình), 13 xã phường đạt cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) và không có địa bàn nào cấp độ 4 (màu đỏ, nguy cơ rất cao).
Cụ thể 13 xã, phường, thị trấn được đánh giá cấp độ dịch ở mức cấp độ 3, phân bố theo 10 quận huyện, gồm quận Ba Đình 1 phường (Thành Công), Chương Mỹ 2 xã Đông Phương Yên và xã Hữu Văn, Đan Phượng 1 xã (Hạ Mỗ), Đống Đa 2 phường Phương Liên và Quốc Tử Giám),
Gia Lâm 1 xã (Phú Thị), Hoàn Kiếm 2 phường (Đồng Xuân và Phúc Tân), Nam Từ Liêm 1 phường (Phú Đô), Thanh Trì 1 xã (Tân Triều), Thanh Xuân 1 phường (Kim Giang), Thường Tín 1 xã (Liên Phương).
13 xã, phường này được đánh giá cấp độ dịch ở mức 3 dựa vào 2 tiêu chí là mức độ lây nhiễm ở mức 4 và khả năng đáp ứng ở mức cao.
So với cách đánh giá cũ, xếp loại mức độ dịch theo cách mới cho thấy gần như toàn Hà Nội đã ở mức xanh.
Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm Hồi sức COVID-19, bệnh viện Dã chiến số 14 (Q. Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Trong 2.885 ca COVID-19 mới phát hiện ở Hà Nội ngày 28-1, có 614 ca cộng đồng. Hiện có 771 bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị tại các bệnh viện ở Thủ đô. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (159); Hoàng Mai (148); Đông Anh (142); Nam Từ Liêm (133); Gia Lâm (128)
Như vậy, đến nay Hà Nội ghi nhận 126.211 ca COVID-19. Tới hết ngày 27-1, Hà Nội hiện có 70.837 F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (145), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (160), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.408).
Ngày 27-1, có 23 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29-4-2021 đến nay là 560 người.
- Ngày 28/1, thống kê, lũy kế số người mắc COVID-19 của tỉnh Hải Dương đến nay đã vượt 9.900 ca, trong đó có 17 bệnh nhân tử vong. Hải Dương xác định việc cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm kiểm soát được tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì COVID-19.
Thống kê từ 12-10-2021 đến hết ngày 27-1-2022, Hải Dương ghi nhận trên 9.944 ca COVID-19, hiện còn 4.263 người đang được điều trị tại các bệnh viện, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và tại nhà. Toàn tỉnh còn trên 17.500 người đang cách ly.
TTO - Ngày 28-1, một góc nhỏ trong khuôn viên Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội rộn vang tiếng cười nói. Người lau lá dong, người cắt lá, người gói bánh chưng… tất cả đều tất bật để chuẩn bị cho nồi bánh chưng đầu tiên.