Thế hệ "ông cố ông sơ" Sài Gòn đã phải chống chọi với nhiều loại thú dữ như cá sấu, mãng xà và cọp beo. Dữ nhất và nguy hiểm nhất là cọp vì chúng hay lẩn khuất trong những "đám lá tối trời" vùng bán sơn địa hay ven theo kênh rạch.
Người dân phương Nam một mặt vừa chiến đấu sinh tử, một mặt vừa kính lễ với cọp theo tâm linh "có kiêng có lành". Tuy vậy, mặc dù rước "Chúa Sơn Lâm" vào đình để thờ cúng nhưng tổ tiên ta khi cần vẫn ra tay "đả hổ", chứ không chịu khuất phục bất cứ thế lực nào xử ác với dân mình.
Hình khắc Ông Hổ trên Cửu Đỉnh ở Huế
Chúa Sơn Lâm dưới mái đình
May mắn TP.HCM ngày nay vẫn còn rải rác nhiều ngôi đình cổ ở khắp các quận huyện. Bạn hãy để ý phía trước đình, không thể thiếu tấm bình phong hay bức vách được đắp nổi hoặc vẽ hình cọp. Đôi chỗ còn có hẳn tượng cọp ở trên sân.
Tùy vào các nghệ nhân, hình tượng cọp mỗi ngôi đình có thể khác nhau một ít. Song tựu trung đó vẫn là cọp có bộ lông vàng với những đường vằn màu đen đầy vẻ oai phong.
Eo ơi, nhìn kìa, mắt cọp sáng quắc, há miệng đỏ lòm, trông sợ lắm. Cọp ta "đứng tấn" trên gò đất cao, phía sau là vài cây cổ thụ hoặc súc gỗ vừa ngã gục. Đúng là cảnh "Chúa Sơn Lâm" giữa núi rừng hoang dã!
Tôi thấy "Chúa Sơn Lâm" đầu tiên ở đình Xuân Hòa trên đường Yên Đổ, nay là Lý Chính Thắng. Nhà tôi ở Bàn Cờ, hằng ngày mẹ tôi đạp xe đi làm ở hãng thuốc gần cầu Công Lý, đều phải đi qua ngôi đình này.
Có những lần theo mẹ đi ngang qua đình Xuân Hòa, thằng nhóc ngày ấy chỉ tay về mặt trước của đình và bi bô nói: "Mẹ ơi, con cọp kìa!". Nghe vậy, mẹ tôi dặn khe khẽ: "Không được chỉ tay, mình phải nói là Ông Hổ con à!".
Hóa ra người Sài Gòn và đất phương Nam luôn gọi kính trọng cọp bằng Ông, đi liền tên chữ Hán là Hổ. Vì sao? Mãi sau này tôi mới tìm được câu trả lời khi tra cứu sách vở và vào thăm nhiều ngôi đình ở cả ba miền.
Qua đó tôi thấy đình ở miền Bắc và miền Trung cũng đều có bình phong, tuy nhiên phần nhiều khắc hình rồng và phụng, hay quy và lân - tất cả đều là những linh vật. Trong khi đó đình ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ lại có bình phong hình cọp là sinh vật có thật.
Trong bất cứ nhà nào ở phương Nam cũng đều thờ cúng Ông Địa. Ở đâu cũng vậy, tượng Ông Địa bao gồm người nông dân có gương mặt phúc hậu ngồi chễm chệ bên cạnh Ông Hổ vằn. Trông Ông Địa như một chủ nhân ung dung, còn Ông Hổ giống như một vệ sĩ.
Trong thực tế cọp là thú rừng mà những người dân đi mở đất Sài Gòn và Nam Bộ phải thường xuyên đối phó và chinh phục. Sách Gia Định thành thông chí cuối thế kỷ 19 chép rằng Gia Định là vùng có rất nhiều cọp. Nổi tiếng nhất là cọp ở 18 thôn vườn trầu - ở Hóc Môn.
Tại đây đất nhiều rừng rú, hổ dữ thường bắt người ăn thịt nên ngạn ngữ có câu "dữ như cọp Vườn Trầu".
Trong một bài viết trên báo Xuân Đại Dân Tộc - năm Giáp Dần 1974, cụ Vương Hồng Sển kể thời hiện đại, tối đến chỉ nghe hơi mấy chú cọp ở Sở thú mà đàn chó ở xóm Cầu Thị Nghè gần bên đã chạy cụp đuôi. Đọc những chi tiết ấy càng thương tổ tiên ta đổi xương máu để xây đắp nên đất Sài Gòn cho con cháu các đời sau.
Người dân Sài Gòn có tục thờ Ông Hổ từ thời mở cõi. Đình Tân Kiển - quận 5 (trái), đình Phú Hòa - quận 1 (phải), đình Nam Chơn - quận 1 (dưới) - Ảnh: Tự Trung
Những cuộc "đả hổ" oai hùng
Vừa rồi tôi tìm được quyển Quốc Sử lớp tư - bây giờ gọi là lớp hai, in những năm 1960, đồng tuổi với mình. Quyển sách nhỏ thôi, khổ A5 xinh xinh nhưng là cánh cửa lớn để bọn nhóc tiểu học ngày đó bước vào thế giới sử Việt.
Cầm quyển sách, tôi mừng rơn, lật nhanh những trang sách, mỗi trang là một truyện sử ngắn gọn, kèm hình minh họa. Trong đó truyện Lê Văn Khôi tay không đánh cọp có hình vẽ chàng trai tuấn tú, mình trần vạm vỡ, tay không khóa cổ một con cọp hung dữ.
Truyện kể rằng một lần nọ, sứ thần Xiêm La - Thái Lan đến Gia Định được quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt mời xem một trận đấu lạ lùng - "Người đấu với cọp".
Thoạt đầu người ta thả cọp ra vồ lấy một võ sĩ. Không ngờ người này bình tĩnh phản đòn bằng gậy sắt - chỉ đánh một gậy là cọp chết tốt. Thế nhưng quan Tổng trấn không đồng ý, ông đòi phạt võ sĩ về tội làm cho cọp chết chứ không để sống.
Sứ thần nước bạn ngạc nhiên xin cho võ sĩ thi đấu lại. Ở trận đấu mới, cọp lại vồ võ sĩ nhiều lần nhưng người này đều khéo léo tránh được. Cuối cùng người võ sĩ chỉ cần một cú đá "tuyệt chiêu" là làm cọp ngã lăn và bắt trói dễ dàng.
Sứ thần Xiêm La trông thấy càng thán phục, vội hỏi xem võ sĩ là ai. Khi đó Đức ông Lê Văn Duyệt chỉ cười đáp: "Bọn tiểu tốt của tôi chưa có chức tước gì, ai cũng vậy cả, có gì đáng lạ đâu". Sứ thần nghe vậy rất kiêng nể đất Gia Định và người Việt Nam.
Thuở xa xưa Xiêm La từng nhiều lần "để mắt" và đưa quân xâm chiếm Nam Bộ. Như vậy đằng sau trận đấu hổ ở thành Gia Định được dã sử ghi lại còn là một trận đấu ngoại giao của tiền nhân rất khôn khéo.
Người võ sĩ "đả hổ" nói trên chính là tùy tướng Lê Văn Khôi, đồng thời là con nuôi của quan Tổng trấn. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng áp đặt chế độ cai trị hà khắc vào Gia Định và Nam Bộ.
Phản kháng điều đó, năm 1832, Lê Văn Khôi đã dấy binh - lần này không "đả hổ" mà còn dám "đả" cả triều đình. Hình ảnh và câu chuyện hào hùng của Lê Văn Khôi đã in vào trí nhớ tuổi thơ của chúng tôi, sâu đậm hơn rất nhiều so với "Võ Tòng đả hổ" trong truyện Tàu.
Gần đây đọc Đại Nam nhất thống chí, tôi biết thêm một nhân vật "đả hổ" khác của Sài Gòn. Đấy là một sư thầy - tục gọi là "Sư Ân". Vào năm Canh Dần 1770, sư tự nguyện giúp dân, tìm diệt một con cọp hung tợn thường quấy phá xóm làng vùng Chợ Quán.
Sư Ân quyết dùng côn và võ thuật cao cường để giết được cọp. Tuy nhiên sau trận săn đánh cọp thành công, Sư Ân cũng bị trọng thương và hy sinh anh dũng.
Để tạ ơn người anh hùng, dân chúng Sài Gòn đã xây một tháp thờ cúng Sư Ân ngay nơi ông đánh cọp. Có thể coi Lê Văn Khôi và Sư Ân là hai tấm gương thể hiện khí phách hiên ngang và bất khuất của các thế hệ làm nên Sài Gòn từ nhiều thế kỷ trước.
Hình ảnh Cọp được khách sạn Continental chọn làm biểu trưng từ đầu thế kỷ 20 (ảnh của sưu tập Phạm Công Luận)
Hình tượng cọp của Sài thành
Có dịp ra Huế, đi xem Cửu Đỉnh bằng đồng ở sân Thế Miếu trong Hoàng cung, tôi nhận ra nhiều hình chạm khắc liên quan Sài Gòn. Trong đó về muông thú, không phải ngẫu nhiên trên chiếc đỉnh lớn nhất - Cao Đỉnh có khắc hình cọp uy nghi.
Tác giả hình khắc miêu tả một Ông Hổ lớn trong tư thế ngồi oai vệ. Bên trái là mây và cây lá tượng trưng cho rừng rậm, bên phải là hình cây cao có trái ken dày - có lẽ là cây bông gòn - một giả thuyết về nguồn gốc khởi thủy của tên gọi Sài Gòn.
Ông cọp ấy được thể hiện trong tư thế trấn thủ, nổi bật trên giồng đất cao. Phải chăng đó chính là hình ảnh khái quát của cọp Cần Giờ hay cọp Vườn Trầu mà sử sách xưa đã nhắc đến?
Cùng trên Cao Đỉnh có hình khắc Ngưu Chữ Giang (sông Bến Nghé) và Đa Tác Thuyền - chiến hạm theo kiểu Tây Dương hiện đại, do Thủy xưởng Gia Định đóng từ thời Nguyễn Ánh.
Còn trên một đỉnh khác lại có hình khắc Cần Giờ Hải Khẩu - cửa ngõ sông biển dẫn vào thành Gia Định. Ngẫm nghĩ cả ba hình khắc phác họa rõ nét những đặc điểm chính yếu của thiên nhiên và vị trí Sài Gòn thời cổ xưa.
Thật bất ngờ và lý thú, ta còn gặp lại bộ ba hình tượng Cọp - Sông nước - Thuyền trên logo của đô thành Sài Gòn hiện đại.
Logo đô thành Sài Gòn thời Pháp thể hiện trên kỷ niệm chương Hội chợ quốc tế Sài Gòn năm 1942 (ảnh tư liệu)
Từ khoảng năm 1870 đến 1950, tòa thị chính Sài Gòn sử dụng logo là hình hai cọp vằn trong tư thế cường tráng và uyển chuyển, đang nâng đỡ một huy hiệu ở giữa. Trên cùng huy hiệu là hình một vòng thành răng cưa, tượng trưng cho thành thị.
Bên dưới là một con thuyền hai cột buồm lớn đang lướt đi trên sóng nước. Con thuyền và dòng nước vừa mang ý nghĩa giao thương, vừa nói đến tư thế của một thành phố mở cửa ra với thế giới.
Thêm nữa, phía trên chiếc thuyền buồm có một ngôi sao năm cánh rực rỡ. Chắc tác giả của bức logo ngụ ý thành phố này luôn hướng đến tương lai và văn minh.
Chung quanh huy hiệu là một số cành lá nhiệt đới xanh tươi. Dưới chân huy hiệu là một dải lụa ghi dòng chữ bằng tiếng Latin: Paulatim Crescam, nghĩa là Từ từ, tôi sẽ lớn. Toàn bộ logo của Sài Gòn thời đó toát lên ý nghĩa không chỉ là ước vọng mà còn là tâm niệm của người xưa về một thành phố đang trỗi dậy lớn mạnh.
Tôi mong một ngày không xa trong trụ sở UBND TP.HCM và các bảo tàng TP.HCM sẽ phục dựng và trưng bày logo xưa của Sài Gòn để các thế hệ đương đại thưởng ngoạn ý niệm và hình ảnh độc đáo này.
Bộ ba hình tượng Cọp - Sông nước - Thuyền đã biểu đạt đầy đủ nội lực giàu đẹp và ý chí dũng mãnh của Sài Gòn. Trong khi Singapore tự hào với cái tên "đô thành Sư tử" - Lion City thì Sài Gòn đã và đang xứng đáng được coi là "đô thành Ông Hổ" - Tiger City, phải không các bạn?
Đặc biệt, tôi tin vào thời kỳ hồi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch, năm mới Nhâm Dần này, hình ảnh "Ông Hổ" sẽ còn đem đến nhiều cảm hứng và niềm vui cho người dân thành phố trên chặng đường bươn chải mới, như tổ tiên Sài Gòn từng trải nghiệm và thích thú.
Trong khi Singapore tự hào với cái tên "đô thành Sư tử" - Lion City thì Sài Gòn đã và đang xứng đáng được coi là "đô thành Ông Hổ" - Tiger City.
Hắc Hổ - Người mở đất
Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được gọi là "Hắc Hổ" vì ông sinh năm Canh Dần - 1650 và có nước da ngăm đen, vóc dáng rất hùng dũng.
Năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn cử ông vào đất phương Nam chính thức lập Phủ Gia Định (toàn Nam Bộ), trong đó có huyện Tân Bình (Sài Gòn).
Ông chỉ huy lập làng xã, chiêu mộ dân cư từ miền Trung vào khai khẩn ruộng rẫy, đồng thời chỉ huy quân đội, giữ vững an ninh - quốc phòng. Từ đấy, Sài Gòn và Nam Bộ phát triển. Người dân kính trọng gọi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh là Ông Chưởng.
Khắp miền Nam đều có đền thờ Ông Chưởng tri ân công đức "người mở đất" phương Nam. Giỗ Ông Chưởng hằng năm diễn ra vào ngày 9 tháng 5 âm lịch.
TTO - Chơi bonsai dừa đã được 5 năm, ban đầu chỉ tạo dáng bình thường, sau này để sản phẩm tăng thêm thẩm mỹ và giá trị nên anh Đinh Ngọc Hiếu (TP Thủ Đức) bắt đầu tạo hình cho cây dừa theo hình con giáp mỗi năm.
Xem thêm: mth.37321225171102202-oh-gno-hnaht-od/nv.ertiout