Các thương hiệu thường xuyên dùng thông điệp "Tết này con sẽ về", có thể khác câu từ nhưng hàm ý vẫn là kêu gọi mọi người về quê ăn Tết. Thông điệp này được lặp đi lặp lại trong nhiều năm thông qua các tác phẩm âm nhạc được thể hiện bởi các ca sĩ nổi tiếng.
Lạm dụng thông điệp cũ
Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc điều hành Buzi Agency, thông điệp "Đi để trở về" được nhãn hàng Biti's Hunter triển khai khá thành công trong một chiến dịch cùng tên. Điều này tiếp tục được "các nhãn hàng khác khai thác triệt để trong mỗi dịp xuân về" - ông đề cập.
"Tuy nhiên, việc này đang bị lạm dụng một cách thái quá và đánh mất đi sức sáng tạo của các nhãn hàng trong các chiến dịch truyền thông của mình", ông Vĩ bình luận.
Cũng theo vị giám đốc của Buzi Agency, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, "chúng ta mới trải qua đợt ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh thì những thông điệp dạng này nếu xuất hiện quá nhiều sẽ làm cho khách hàng cảm thấy bội thực và ảnh hưởng không nhỏ tới tâm trạng trong dịp năm mới".
Không phủ nhận việc các nhãn hàng "dùng thông điệp này sẽ rất dễ chạm tới cảm xúc của khách hàng mục tiêu nhưng chúng ta nên nhìn ở một góc nhìn khác" - ông Vĩ nói.
Ông kết lại: "Vì đặc thù của ngành là phải tạo sự khác biệt, vậy thì trong một rừng các thông điệp na ná nhau sao chúng ta không đưa đến cho khách hàng những cảm xúc tích cực hơn. Ví dụ, có thể Tết này chúng ta không về được nhưng tình cảm của chúng ta hướng về sẽ làm cái Tết ở quê xa vẫn đủ đầy đầm ấm..."
Bài hát và MV Tết này con sẽ về do Bùi Công Nam sáng tác, thể hiện là dự án hợp tác với một nhãn nước rửa tay. (Ảnh minh họa: Nhaccuatui).
"Về quê ăn Tết" đã cũ, nhiều gia đình giờ vui Tết kiểu khác
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long bình luận nhiều nhãn hàng đã có sự đầu tư trong mỗi dịp Tết đến, xuân về chứ không chỉ khư khư sử dụng "Tết này còn sẽ về". Điều này chứng tỏ các nhãn hàng đã sáng tạo rất nhiều để cho ra đời một thông điệp nhân dịp Tết.
Nhiều nhãn hàng đã cải biên các thông điệp sum họp, quây quần trong dịp Tết nhưng thông qua công nghệ Facetime, videocall chứ không phải gặp mặt trực tiếp. Hay một nhãn hàng thì sáng tạo thông điệp về Tết khuyến khích làm điều tốt.
Theo ông Long, không nhất thiết cứ phải Tết mới trở về mà bất kỳ khi nào, trước Tết hay sau Tết đều có thể trở về.
"Rõ ràng thông điệp 'Tết này con sẽ về' đã bị quá nhàm, quá cũ. Bây giờ là sự trỗi dậy của các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ 2K. Những người này đã có định nghĩa rất riêng về Tết", chuyên gia truyền thông nhận định.
Thậm chí cha mẹ của các bạn ấy cũng là những người có tinh thần mới về Tết. Đồng nghĩa, thông điệp trên sẽ không đúng thời và không hiệu quả.
Ông Long cho rằng, thông điệp ấy thậm chí còn có tác dụng ngược, bắt buộc phải thay đổi. Đối với các nhãn hàng truyền thống thì tìm thông điệp hiện đại, còn các thương hiệu hiện đại thì nên tìm kiếm các giá trị trong Tết truyền thống nhưng thể hiện chúng theo hướng hiện đại.
"Các thông điệp cần mới lạ, phù hợp với thời điểm", ông Long nêu quan điểm.
Nhiều bạn trẻ ngày nay đang "sợ Tết". Bởi Tết không chỉ là khó khăn chuyện tàu xe trở về mà còn chuyện tiền nong, quà biếu cho các bên nội ngoại cùng với những câu hỏi từ họ hàng. "Người thành công hay thất bại đều có áp lực riêng khi trở về. Phải thấu hiểu sâu sắc khách hàng mục tiêu (insight) thì mới nhận được sự đồng cảm từ họ", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long kết luận.
https://soha.vn/tu-tuong-tet-nay-con-se-ve-da-loi-thoi-y-kien-chuyen-gia-20220127092852334.htmTheo Dy Khoa
Doanh nghiệp và Tiếp thị