Hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam chỉ cần có giấy xét nghiệm PCR, không phải xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay. Đây là một trong những quy định vừa được công bố ngày 28/1, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho việc mở cửa du lịch quốc tế. Nhưng ngoài khó khăn này còn rất nhiều vấn đề liên quan quá trình mở cửa này. Nhiều hãng hàng không, lữ hành, khách sạn vừa có thư kiến nghị chính phủ công bố trong tháng 2 về thời điểm mở cửa du lịch hoàn toàn.
Nhìn lại con số này: Cả năm 2021 có 8.500 khách quốc tế so với con số hơn 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019 năm trước dịch COVID-19 để thấy mức độ ảnh hưởng nặng nề của việc đóng cửa du lịch quốc tế.
Ngay trong tuần này, có 11 doanh nghiệp hàng không, du lịch ký thư đề xuất sớm mở cửa du lịch quốc tế. Đây cũng là vấn đề liên tục được nhắc đến trong các hội thảo của các cơ quan quản lý nhà nước từ bộ ngành tới Chính phủ.
Mạnh dạn mở cửa, không để lỡ nhịp phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Sáng 28/1, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đến nay, khi đã đạt độ bao phủ vaccine, đúc kết được các kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng chống dịch, chúng ta mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố công khai, cụ thể về lộ trình, điều kiện mở cửa trường học và các hoạt động du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay, khi đã đạt độ bao phủ vaccinen, đúc kết được các nguyên lý, công thức, phương châm phòng chống dịch, chúng ta mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại sớm nhất có thể. Trong khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tối ưu, nếu cứ chờ đợi thì sẽ lỡ nhịp phát triển.
Hướng dẫn viên du lịch vất vả mưu sinh
Hơn 90% đơn vị lữ hành đóng cửa, chỉ còn một số doanh nghiệp lớn hoạt động cầm chừng nhưng cũng cắt giảm tối đa nhân sự, chỉ giữ lại bộ khung. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch, 30% nhân lực du lịch đã buộc phải rời khỏi ngành do khó khăn của dịch bệnh. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến ngành du lịch nói chung và đặc biệt là du lịch quốc tế của Việt Nam. Chính vì thế nếu mở cửa mà muốn có khách, cần có sự chuẩn bị thật kỹ càng
Vũ Ngọc Anh có bằng hướng dẫn viên quốc tế, đã từng 5 năm học đại học ở Australia và 10 năm sống tại Nga. Có lẽ, chưa bao giờ Ngọc Anh nghĩ mình có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế này: chạy xe ôm công nghệ.
Anh Vũ Ngọc Anh, hướng dẫn viên du lịch, tâm sự: "Em buồn vô cùng. Nghề của em ăn vào máu rồi, dù vất vả bao nhiêu nữa nhưng được đi, được gặp nhiều người, được đem văn hoá của VIệt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế, em thấy hạnh phúc lắm, vất vả nhưng không mệt mỏi. Giờ em lúc nào cũng nhớ nghề".
Ngọc Anh, cũng giống như gần 30.000 hướng dẫn viên du lịch khác, đang phải xoay sở đủ cách để kiểm sống trong suốt 2 năm qua. Không ít hướng dẫn viên giỏi nhưng đã phải chuyển sang một công việc mới
Anh Bùi Văn Đô, kinh doanh tự do, cho biết: "Tôi làm du lịch được 6 năm trong nước, 4 năm nước ngoài, giờ tôi chuyển sang kinh doanh được 1 năm 8 tháng rồi. Công việc kinh doanh mới đầu vất vả và lạ lẫm nhưng mà chúng tôi cũng gắng học hỏi làm sao để cuộc sống của mình tốt lên".
Hiện tại Việt Nam có 1,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, 90% trong số đó đã phải nghỉ việc không lương, hoặc chuyển sang làm việc tạm thời trong lĩnh vực khác. Trong thời điểm khó khăn này, người lao động có tay nghề như hướng dẫn viên du lịch là một trong những đối tượng được hưởng hỗ trợ của Chính phủ. Mỗi người như anh Ngọc Anh hay anh Đô được nhận tổng cộng 3,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều người chưa được hưởng gói hỗ trợ do không có hợp đồng lao động với các doanh nghiệp lữ hành.
Anh Phạm Tiến Sĩ, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và du lịch Thiên Đô, cho biết: "Các công ty du lịch chỉ có việc vài tháng hè nên họ không thuê hợp đồng dài hạn, thuê hợp đồng phải trả lương cả năm, họ chủ yếu là thuê cộng tác viên, làm tour nào, trả tiền tour đó, tiết kiệm được chi phí".
Theo Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, có đến 90% hướng dẫn viên du lịch là lao động tự do. Tổng cục Du lịch hiện đã có công văn hướng dẫn thực hiện việc này, để tiền hỗ trợ đến tay đúng người, đúng đối tượng. Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội vừa công bố số điện thoại đường dây nóng: 0911191122 để giải đáp những thắc mắc về chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch.
Kinh nghiệm mở cửa du lịch ở Thái Lan
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19, năm 2019, có hơn 136 triệu khách du lịch quốc tế đã đến ASEAN và tạo ra khoảng 30 triệu việc làm trực tiếp. Năm 2020, lượng du khách quốc tế đến ASEAN giảm hơn 80%. Nói như vậy để thấy nền kinh tế du lịch thế giới đều phải chịu tác động của dịch bệnh nhưng với mỗi quốc gia cách ứng xử khác nhau sẽ mang lại những kết quả khác nhau.
Ví dụ như Thái Lan là nước mở cửa du lịch sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái. Ngành công nghiệp không khói này vốn đóng góp tới 1/5 GDP của nước này, trước khi đại dịch COVID-19 xảy đến. Thế nên, sức ép mở cửa du lịch ở Thái Lan là lớn hơn nhiều so với các nước khác.
Ảnh: Getty Images
Kế hoạch mở cửa du lịch Thái Lan được khởi động đầu tiên với chương trình thí điểm Hộp cát Phu kẹt. Đây là hệ thống đón khách quốc tế khép kín với quy trình nghiêm ngặt, mục tiêu không để xảy ra lây nhiễm COVID-19 giữa du khách và người dân địa phương. Tuy nhiên, cũng phải đủ thuận tiện và chi phí hợp lý để khách du lịch sẵn lòng đặt chân tới điểm đến.
Chị Hadas Emily, du khách Israel, chia sẻ: "Tôi cảm thấy khá an toàn, đặc biệt là khi nhìn thấy các quy định, việc xét nghiệm và tất cả mọi việc đều được thực hiện rất nghiêm túc".
Thống kê cho thấy, từ tháng 7 cho đến hết tháng 9, đã có hơn 43 nghìn du khách nước ngoài đến Thái Lan theo chương trình Hộp cát Phuket và đóng góp cho ngân sách 2,33 tỷ Baht, khoảng 69 triệu USD.
Thành công bước đầu của "Hộp cát Phuket" đã giúp Chính phủ Thái Lan mạnh tay hơn trong việc mở cửa biên giới đón khách du lịch với chương trình " xét nghiệm và đi" bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái. Theo đó, du khách đã tiêm chủng đầy đủ ở 63 quốc gia có nguy cơ dịch thấp có thể nhập cảnh mà không cần cách ly. Tuy nhiên, du khách phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ trước khi tới Thái Lan. Ngoài ra, du khách cũng phải có bảo hiểm y tế với hạn mức chi trả ít nhất 50 nghìn USD, có xác nhận đặt phòng ở Thái Lan. Trong vòng 24 giờ sau khi tới Thái Lan, du khách tiếp tục được xét nghiệm PCR, nếu kết quả âm tính họ sẽ được phép đi lại.
Tuy nhiên, đến tháng giữa tháng 12 năm ngoái, khi biến thể Omicron bắt đầu được phát hiện trong cộng đồng , Chính phủ Thái Lan đã có sự điều chỉnh một số qui định với du khách nước ngoài. Theo đó, thay vì xét nghiệm một lần khi đến nơi, du khách sẽ phải thực hiện 2 lần xét nghiệm PCR, lần đầu là ngày đầu tiên đến và lần hai vào ngày thứ 5 sau khi đến.
Như vậy, du khách sẽ phải trình chứng nhận đặt phòng khách sạn đủ điều kiện cho ngày thứ nhất và ngày thứ 5 , biên lai trả trước chi phí 2 lần xét nghiệm cùng giấy chứng nhận tiêm vaccine.
Để tạo điều kiện cho ngành du lịch xứ sở chùa vàng phát triển, bắt đầu từ tháng 4 tới, du khách nước ngoài đến thăm Thái Lan sẽ phải nộp phí nhập cảnh 300 bath hơn 200 nghìn đồng mỗi người. Khoản phí này sẽ giúp trùng tu và phát triển các điểm du lịch cũng như để cung cấp bảo hiểm tai nạn cho du khách.
Thái Lan dự kiến sẽ đón từ 5 đến 15 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay, đem về doanh thu khoảng 800 tỷ bath, khoảng 23,97 tỷ UDS.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động bình thường của xã hội đang từng bước trở lại, kinh tế phục hồi và phát triển rất rõ nét. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan công bố lộ trình mở cửa du lịch sớm nhất có thể, không để lỡ cơ hội phát triển. Hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, kéo theo việc hàng triệu lao động mất việc làm. Phục hồi du lịch là phục hồi cả một hệ sinh thái kinh tế-xã hội. Mở cửa lúc nào, mức độ mở cửa ra sao dĩ nhiên không dễ nhưng vẫn phải có một quyết định được đưa ra mà mục tiêu là để vừa không chậm chân vừa có thể an toàn.
Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 29/1 với khách mời là ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và ong Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31755131192102202-et-couq-hcil-ud-auc-om-ed-oan-os-oc-gnuhn/et-hnik/nv.vtv