Các ý tưởng rằng Nga có thể đưa quân và khí tài tới Cuba, cách bờ biển Mỹ khoảng 160 km, nên được quên đi vì động thái như vậy sẽ làm ảnh hưởng tiến trình bình thường hoá quan hệ Havana-Washington, điều mà Nga không muốn, đài RT dẫn lời cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 28-1.
Phát biểu với báo giới hôm 27-1, ông Medvedev - hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - cho rằng hai quốc gia Mỹ Latinh (Cuba và Venezuela) dù là đối tác thân thiết của Moscow, nhưng cũng là những quốc gia có chủ quyền “đang cố gắng thoát khỏi sự cô lập và bình thường hóa quan hệ với Mỹ ở một mức độ nào đó".
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga. Ảnh: SPUTNIK
Cựu tổng thống Medvedev nhấn mạnh rằng Nga không thể triển khai bất cứ thứ gì ở khu vực Mỹ Latinh. Theo ông, mặc dù điều này chỉ liên quan đến vị thế địa chính trị và lợi ích quốc gia của các nước trên, viễn cảnh trên cũng không nên xảy ra vì chúng sẽ “gây căng thẳng trên thế giới”.
Trong buổi trả lời phỏng vấn đài RTVI hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng ông sẽ không loại trừ khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Cuba hoặc Venezuela, nhấn mạnh điều đó sẽ còn phụ thuộc vào “hành động của phương Tây”.
Đáp lại, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết rằng hoạt động quân sự của Nga ở Mỹ Latinh không phải là một điểm cần thảo luận tại các cuộc đàm phán an ninh gần đây, song nhấn mạnh Washington sẽ hành động “dứt khoát” nếu điều đó xảy ra.
Hôm thứ 26-1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Cuba, Venezuela và Nicaragua, và đã đồng ý tăng cường hợp tác với họ trong một loạt lĩnh vực, bao gồm cả các vấn đề quân sự.
Liên quan tình hình căng thẳng hiện tại quanh Ukraine, nơi phương Tây cáo buộc Nga lên kế hoạch tấn công, cựu Tổng thống Nga Medvedev nhấn mạnh rằng đất nước của ông không muốn chiến tranh và đàm phán an ninh là cách duy nhất để giảm leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Ngày 27-1, Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ sự thất vọng liên quan đến phản ứng của Washington đối với các đề xuất an ninh gần đây của Nga, nói rằng Mỹ đã từ chối nhượng bộ liên quan đến việc mở rộng NATO ở Đông Âu. “Chúng tôi không thể chấp nhận được việc NATO mở rộng thêm về phía đông và triển khai các loại vũ khí có sức hủy diệt cao có thể đe dọa lãnh thổ của Nga” - ông tuyên bố. |